Hội đồng Tổng thống Libya kêu gọi chuyển giao quyền lực

Hội đồng Tổng thống Libya kêu gọi các thể chế nước này chuyển giao quyền lực cho chính phủ đoàn kết dân tộc, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt đứt mọi hoạt động với các nhóm đối địch Libya.
Hội đồng Tổng thống Libya kêu gọi chuyển giao quyền lực ảnh 1Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj trong cuộc họp báo chung với Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tại Tunis ngày 8/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng Tổng thống Libya ngày 12/3 đã kêu gọi các thể chế nước này bắt đầu chuyển giao quyền lực cho chính phủ đoàn kết dân tộc, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt đứt mọi hoạt động với các nhóm đối địch Libya.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Tổng thống Libya kêu gọi "tất cả các cơ quan và người đứng đầu các thể chế tài chính bắt đầu liên lạc ngay với chính phủ đoàn kết dân tộc để chuyển giao hòa bình và trật tự."

Bên cạnh đó, "Hội đồng Tổng thống cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức khu vực và quốc tế... ngừng mọi quan hệ với các nhóm không theo chính phủ đoàn kết dân tộc."

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya cũng tuyên bố nắm quyền dù chưa được Quốc hội thông qua, cho rằng việc đa số các nghị sỹ ký đơn yêu cầu chính phủ hoạt động tương đương với phiếu tín nhiệm.

Tháng trước, 100 nghị sỹ thuộc quốc hội được quốc tế công nhận đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ đoàn kết được Liên hợp quốc bảo trợ, song đã bị “cản trở” tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc.

Thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết Libya đã được ký tại Maroc hồi tháng 12/2015.

Tuy nhiên, nỗ lực chuyển giao quyền lực đã bị cản trở bởi những tranh cãi xung quanh cơ cấu của chính phủ mới, việc cân bằng quyền lực giữa các khu vực và ban lãnh đạo tương lai của các lực lượng vũ trang.

Ngay bản thân Hội đồng Tổng thống, được Liên hợp quốc ủng hộ, cũng bị chia rẽ khi 2 trong số 9 thành viên của hội đồng ngừng tham gia và 2 lần bác bỏ danh sách bộ trưởng đề xuất.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk.

Tình trạng trên đẩy Libya vào tình trạng có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lợi dụng khoảng trống chính trị và an ninh tại Libya để mở rộng địa bàn hoạt động tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục