Ngày 4/2, tại thành phố Skhirat của Maroc, các thành viên Hội đồng Tổng thống Libya bắt đầu đàm phán về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới theo một thỏa thuận do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị ở quốc gia Bắc Phi này.
Cuộc họp kín trên diễn ra sau khi quốc hội được quốc tế công nhận (HoR) của Libya bác bỏ chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập hôm 19/1 vừa qua.
Theo thỏa thuận được các đại diện của HoR và của Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - cơ quan lập pháp cũ của Libya - ký tại Maroc hồi tháng 12 năm ngoái, các bên tham gia đối thoại về vấn đề Libya sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết tại thủ đô Tripoli nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong nước.
Tại phiên họp của HoR ở thành phố Tubruk, miền Đông Libya hôm 25/1 vừa qua, 89 trong số 104 nghị sỹ tham gia bỏ phiếu đã phản đối chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập trước đó với lý do có quá nhiều vị trí trong nội các.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.
GNC là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk.
Vụ việc này đẩy quốc gia Bắc Phi rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị với hai quốc hội và hai chính phủ./.