Hội đồng quân sự Sudan nhất trí đề xuất của các lực lượng đối lập

Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan đã nhất trí về tổng thể đối với những đề xuất của các lực lượng đối lập chính ở nước này về cơ cấu điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.
Hội đồng quân sự Sudan nhất trí đề xuất của các lực lượng đối lập ảnh 1Người phát ngôn TMC Shams-Eddin Kabashi phát biểu trong cuộc họp báo tại Khartoum, Sudan, ngày 7/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) tại Sudan ngày 7/5 công bố đã nhất trí về tổng thể đối với những đề xuất của các lực lượng đối lập chính ở nước này về cơ cấu điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Khartoum, người phát ngôn TMC Shams-Eddin Kabashi cho biết TMC đã phản hồi bằng văn bản đối với văn kiện hiến pháp do lực lượng đối lập Liên minh Tự do và Thay đổi đề xuất trước đó.

Theo người phát ngôn này, trong phản hồi, TMC bảo lưu lập trường đối với một số điểm, song bày tỏ lạc quan có thể đạt được đồng thuận về những vấn đề này.

Trước đó, ngày 2/5, Liên minh Tự do và Thay đổi đã giao cho TMC một dự thảo hiến pháp liên quan đến tổ chức và điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.

Văn kiện này quy định Hội đồng điều hành chung Sudan bao gồm 15 thành viên, gồm 8 nhân vật dân sự và 7 đại diện quân sự.

Văn kiện này cũng đề xuất chính phủ dân sự gồm 17 bộ trưởng và có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.

[Sudan: Trung gian hòa giải đề xuất 2 hội đồng chuyển tiếp song song]

Ngoài ra, văn kiện này đề xuất thành lập một quốc hội chuyển tiếp gồm 120 thành viên với nhiệm kỳ 4 năm.

Theo người phát ngôn của TMC Kabashi, văn kiện trên đã bỏ qua Luật Hồi giáo Sharia, trong khi quan điểm của TMC là phải giữ luật Hồi giáo cũng như những chuẩn mực và truyền thống trong nước làm nguyên tắc chủ đạo trong cơ cấu dân sự mới.

Thêm vào đó, TMC cho rằng quyền ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia phải thuộc về một cơ quan độc lập.

Theo ông Kabashi, các cuộc thảo luận với các lực lượng đối lập đang tiếp tục diễn ra, song ông cho rằng trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, bầu cử sớm trong vòng 6 tháng sẽ là một giải pháp.

Ngày 11/4 vừa qua, quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir sau làn sóng biểu tình phản đối chính phủ.

Tiếp đó, quân đội đã thành lập TMC điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Tiến trình này dự kiến kéo dài tối đa 2 năm.

Tuy nhiên, lực lượng biểu tình yêu cầu tiến hành chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự.

Ngày 24/4 vừa qua, TMC và lực lượng đối lập tại Sudan đã nhất trí thành lập một ủy ban giải quyết các bất đồng trong bối cảnh leo thang căng thẳng liên quan thời hạn chuyển tiếp sang chính quyền dân sự.

Tuy nhiên cho đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất thành phần trong hội đồng chung này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục