Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Bạc Liêu

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc gửi lời chúc Tết cổ truyền an lành, vui tươi và hạnh phúc đến các vị hòa thượng, thượng tọa, các vị chức sắc, chức việc và đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây.
Bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tặng quà cho Đại đức Dương Quân, trụ trì chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Trong hai ngày 13-14/4, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại các chùa Phật giáo Nam tông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Đoàn đã đến thăm các chùa Seray Vong Sa Meanchay (còn có tên là chùa Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long); Kos Thum (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân); Komphirsakorprêkchru (Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu), Buppharam (Cái Giá chót) và Soryaram (Cái Giá giữa) cùng tọa lạc tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi.

Bà Trần Thị Hoa Ry đã gửi lời chúc Tết cổ truyền an lành, vui tươi và hạnh phúc đến các vị hòa thượng, thượng tọa, các vị chức sắc, chức việc và đồng bào Khmer; đồng thời khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có các chính sách, chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 về phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho cả giai đoạn 2021-2030. Cả nước hiện có 3 chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó có 1 chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng bày tỏ vui mừng khi tất cả 49/49 xã của tỉnh Bạc Liêu đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách, chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Trần Thị Hoa Ry tin rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vươn lên của người dân, đời sống của đồng bào Khmer sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa trong thời gian tới.

Thượng tọa Trần Duyên, Trụ trì chùa Kos Thum (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhà chùa và đồng bào Khmer thời gian qua; đồng thời đề nghị, Nhà nước hỗ trợ kinh phí dạy chữ Khmer do các chùa tổ chức, cấp thêm kinh phí để bảo tồn Di tích lịch sử quốc gia chùa Kos Thum.

[Chôl Chnăm Thmây - Khởi đầu một Năm mới lạc quan]

Hòa thượng Lý Sa Mouth, Trụ trì chùa Seray Vong Sa Meanchay (Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) thông tin, năm nay, người dân chuẩn bị Tết Chôl Chnăm Thmây chu đáo hơn so với năm 2022. Các cấp lãnh đạo thường xuyên quan tâm đến mọi mặt đời sống xã hội của phum sóc. Nhờ đó, trên địa bàn không có các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để làm xấu đi tình đoàn kết ở địa phương.

Các vị hòa thượng, thượng tọa đều khẳng định sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong phát triển sản xuất, học tập; gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp.

Bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu chúc chúc tết Chôl-chnăm-thmây năm 2023 tại chùa Cái Giá Chót, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Đồng bào Khmer sinh sống ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng tỉnh Bạc Liêu có hơn 17.000 hộ gia đình với trên 74.000 nhân khẩu (tương đương hơn 7% dân số). Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào Khmer nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Việc thực hiện chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả. Diện mạo phum sóc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc. Đời sống, kinh tế người dân ngày càng phát triển, tạo nên sức sống mới ở vùng có đông đồng bào dân tộc.

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hằng năm, thể hiện ước vọng một Năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Năm nay Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 14 đến 16/4/2023 dương lịch.

Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong những lễ tết mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cũng là của các cư dân nông nghiệp trồng lúa điển hình ở Đông Nam Á, trong đó đồng bào Khmer Nam bộ có một hệ thống lễ hội gắn chặt với vòng đời cây lúa.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng Năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là “Năm mới.”

Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer. Chất nông nghiệp thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo và Bàlamôn giáo.

Theo quan niệm của đồng bào, đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi… nên được đồng bào coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi.

Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa); không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một Năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng. Đặc biệt, các lễ tục sinh hoạt lớn của cộng đồng luôn diễn ra vào lúc nông nhàn.

Tết Năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng thứ 5 theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm.

Đối với người Khmer, ngoài ý nghĩa đón mừng Năm mới, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ làm mùa mới.

Điều này thể hiện cá tính chất phác mà phóng khoáng, lạc quan cao độ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn hướng tới tương lai của đồng bào Khmer./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục