Hội đồng bầu cử Venezuela bác bỏ trưng cầu ý dân triệu tập Quốc hội

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Venezuela ngày 3/7 bác bỏ lời kêu gọi trước đó cùng ngày của liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ về việc tiến hành trưng cầu ý dân liên quan việc triệu tập Quốc hội.
Hội đồng bầu cử Venezuela bác bỏ trưng cầu ý dân triệu tập Quốc hội ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) Tania DAmelio-bên phải. (Nguồn: Getty Images)

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) Tania D'Amelio ngày 3/7 bác bỏ lời kêu gọi trước đó cùng ngày của liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) về việc tiến hành trưng cầu ý dân liên quan việc triệu tập Quốc hội lập hiến của Tổng thống Nicolas Maduro.

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn lời bà Tania D'Amelio cho rằng kêu gọi của MUD tiến hành cuộc trưng cầu vào ngày 16/7 tới là công việc “nội bộ” của phía đối lập và không có giá trị pháp lý bởi không có sự đồng ý của CNE.

Tuyên bố này được đưa ra khi trước đó, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Julio Borges, người của phía đối lập, nhấn mạnh việc tiến hành trưng cầu ý dân nhằm mục đích xác định liệu người dân có đồng ý thành lập Quốc hội lập hiến hay không.

Bên cạnh đó, người dân nước này cũng sẽ được hỏi về quan điểm của họ về trách nhiệm của quân đội đối với việc "phục hồi sắc lệnh hiến pháp" và việc thành lập một chính phủ "đoàn kết quốc gia" mới.

[Tổng thống Venezuela Maduro kêu gọi quân đội bảo vệ đất nước]

Cùng ngày, Tổng chưởng lý Luisa Ortega, người phản đối quyết định triệu tập Quốc hội lập hiến, cũng kêu gọi người dân nước này phản đối việc sửa đổi Hiến pháp, cũng như bảo vệ tự do và tương lai đất nước.

Trước đó ngày 28/6 vừa qua, Tòa án Tối cao Venezuela (TSJ) ra phán quyết phong tỏa tài sản và cấm xuất cảnh đối với bà Ortega, trước khi tổ chức phiên sơ thẩm liên quan tới cáo buộc bà chống phá nhà nước pháp quyền vào ngày 4/7.

TSJ cũng ra lệnh đóng băng toàn bộ tài sản và tài khoản ngân hàng của nữ quan chức này.

Venezuela đang phải đối mặt với những diễn biến chính trị phức tạp.

Trong bối cảnh đó, hồi tháng Năm vừa qua, Tổng thống Maduro đã kêu gọi soạn thảo một bản Hiến pháp mới, nhưng do một cơ quan được chính người dân lập ra chứ không phải các đảng phái chính trị.

Hai ngày sau đó, Chính phủ Venezuela đã chính thức ra thông báo triệu tập cơ quan sửa đổi Hiến pháp gồm 500 thành viên đại diện cho các tổ chức xã hội nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị và tổ chức bầu cử trong vòng 3 tháng tới.

MUD, nhóm đối lập lớn nhất tại Venezuela, đã từ chối tham gia cuộc họp này. Những người ủng hộ MUD vẫn tiếp tục xuống đường phản đối đề xuất sửa đổi Hiến pháp của chính phủ và yêu cầu tổ chức bầu cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục