Ngày 11/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bắt đầu tiến hành phiên họp thảo luận về bản dự thảo nghị quyết do Australia, Jordan và Luxembourg soạn thảo liên quan tới vấn đề trợ giúp nhân đạo tại Syria.
Phát biểu với báo giới ngay sau cuộc họp đầu tiên, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin mặc dù không tiết lộ chi tiết song cho biết đại diện các nước đã tranh luận rất thẳng thắn về những thách thức đối với tình hình nhân đạo tại Syria.
Các đại diện đến từ Pháp và Mỹ đã bày tỏ ủng hộ đối với bản dự thảo nghị quyết về Syria. Đại sứ Pháp Gerard Araud nhận định dự thảo nghị quyết nói trên chỉ đơn giản là một văn kiện "công bằng, không liên quan tới chính trị," do đó không có lý do gì để bác bỏ vì nó còn có thể sửa đổi.
Ông Araud cho biết hiện chưa rõ thời điểm Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua nghị quyết này và các cuộc thương lượng mới chỉ bắt đầu.
Theo quan chức trên, Pháp đã sẵn sàng các lập luận nhằm phản bác lại những ý kiến phản đối của Nga đối với bản dự thảo để tránh cho văn kiện này bị bác bỏ.
Đại diện Pháp cũng cho biết Nga chuẩn bị đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một nghị quyết khác cũng về viện trợ nhân đạo đối với Syria.
Cùng quan điểm với Pháp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho biết Washington ủng hộ mạnh mẽ những nghị quyết tương tự nghị quyết mà Australia, Jordan và Luxembourg đề xuất.
Bà Power cho rằng các thành viên Hội đồng Bảo an cần có một tiếng nói đồng nhất để phát huy vai trò của Liên hợp quốc là cơ quan bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều đại diện khác tỏ ý hoài nghi về khả năng một cuộc bỏ phiếu về nghị quyết về trợ giúp nhân đạo Syria có thể diễn ra vào trước tuần tới, liên quan tới lập trường khác biệt của các nước cũng như triển vọng của các vòng đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Syria và phe đối lập tại Geneve, Thụy Sĩ.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nêu rõ Moskva chỉ sẵn sàng xem xét dự thảo nghị quyết khi văn kiện này phản ánh sự công bằng chứ không mang nội dung cáo buộc một chiều đối với chính phủ hợp hiến của Tổng thống Syria Basha al-Assad.
Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an nhất trí với một dự thảo nghị quyết lên án các hành động khủng bố tại Syria.
Trước đó một ngày, các đại sứ của Nga và Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã không tham dự phiên thảo luận nội dung nghị quyết này. Phía Nga cho rằng bản dự thảo nghị quyết "xa rời thực tế" và sẽ "phá vỡ các nỗ lực nhân đạo của cộng đồng quốc tế."
Theo Moskva, toàn văn bản dự thảo nghị quyết trên không có tác động thực tiễn và tích cực đối với tình hình Syria, mà ngược lại, có ý đồ làm gia tăng những rạn nứt chính trị xung quanh tình hình tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, phía Trung Quốc chỉ quyết định hủy họp mà không đưa ra lời giải thích nào.
Bản dự thảo, được đệ trình với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/2 vừa qua, trong đó ngoài thời hạn 15 ngày để các bên giao tranh tại Syria thực hiện yêu cầu ngừng tất cả những hình thức bạo lực, vi phạm quyền con người, ngừng phong tỏa các thành phố, còn đề xuất áp án phạt đối với những bên cản trở việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo đến Syria./.