Ngày 14/7, một quan chức Mỹ thông báo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ công bố một nghị quyết về lịch trình của Iran thực thi thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). Nghị quyết này có thể được đưa ra sớm nhất là vào tuần tới.
Phát biểu với báo giới, quan chức giấu tên trên cho biết nghị quyết này do Mỹ soạn thảo và hiện đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên có quyền phủ quyết tại Liên hợp quốc, vốn cũng tham gia tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran.
Theo quan chức trên, nghị quyết sẽ cho phép áp đặt trừng phạt kinh tế nếu Iran không thực thi các cam kết trong thỏa thuận, nhưng nhiều khả năng sẽ không đề cập đến giải pháp quân sự.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống nước này Barack Obama sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước có quan điểm ngờ vực về thỏa thuận hạt nhân với Iran, cụ thể là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud.
Trong phản ứng của mình, ngày 14/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với P5+1 là "một sai lầm lịch sử." Ông Netanyahu tuyên bố Israel không bị ràng buộc với thỏa thuận hạt nhân này và "sẽ luôn tự bảo vệ mình."
Trong khi đó, một quan chức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết nước này hoan nghênh thỏa luận lịch sử giữa Iran và các cường quốc, khẳng định thỏa thuận sẽ có thể mở ra "trang mới" cho vùng Vịnh, giúp khu vực giải quyết mối bất hòa về chia rẽ bè phái và khủng bố cực đoan.
Quan chức này nêu rõ: "Iran có thể đóng vai trò (quan trọng) trong khu vực nếu họ sửa đổi chính sách và ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của những nước như Iraq, Syria, Liban hay Yemen."
Trong một động thái tích cực khác sau khi Iran và các cường quốc đạt được thỏa thuận, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel lên kế hoạch thăm Iran từ 18-20/7. Cùng đi với Bộ trưởng Gabriel có Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức Eric Schweitzer.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một khi các trừng phạt với Tehran được dỡ bỏ, những năm tới, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Đức và Iran có thể nhảy vọt từ 2,4 tỷ euro (tương đương 2,6 tỷ USD) hồi năm ngoái lên hơn 10 tỷ euro hàng năm./.