Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Haiti

Với 13/15 phiếu thuận, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 2547 gia hạn hoạt động của Văn phòng Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Haiti (BINUH) đến ngày 15/10 năm sau.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Haiti ảnh 1Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết 2547 về Haiti. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 15/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 2547 gia hạn hoạt động của Văn phòng Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Haiti (BINUH) đến ngày 15/10 năm sau.

Nghị quyết do Mỹ chủ trì soạn thảo và đã nhận được 13/15 phiếu thuận. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng.

Ngoài các nhiệm vụ như đã được nêu tại Nghị quyết 2476 năm 2019, Nghị quyết 2547 nhấn mạnh vai trò hiến định thiết yếu của Quốc hội Haiti và nhu cầu cấp thiết cần đối thoại nhằm giải quyết các nguyên nhân gây bất ổn lâu nay tại nước này thông qua một khuôn khổ bền vững, được chấp nhận bởi các bên và hướng tới tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp tự do, công bằng, minh bạch.

[Việt Nam kêu gọi các bên Haiti đối thoại hướng tới giải pháp toàn diện]

BINUH được thành lập năm 2019, có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ Haiti về việc thúc đẩy và tăng cường ổn định chính trị, cũng như xây dựng và thực hiện bầu cử tự do, công bằng và công khai.

Cũng trong ngày 15/10, Hội đồng Bảo an đã thảo luận về tình hình Yemen thời gian qua.

Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc  về Yemen Martin Griffiths và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc  phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock đã báo cáo cập nhật tình hình tại cuộc họp.

Đặc phái viên Griffiths và Phó TTK Lowcock hoan nghênh Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) và Thụy Sĩ đã giúp thúc đẩy các bên liên quan tại Yemen đạt được thỏa thuận và triển khai trao trả hơn 1.000 cá nhân bị bắt giữ thời gian qua, coi đây là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Stockholm. Đây cũng là số người được thả nhiều nhất trong lịch sử hoạt động của ICRC.

Tuy nhiên, các báo cáo viên vẫn bày tỏ lo ngại về leo thang giao tranh quân sự trong những ngày qua tại Hudaydah, thành phố cảng quan trọng của Yemen, khiến nhiều người chết và bị thương trong đó có dân thường, phụ nữ và trẻ em.

Hai báo cáo viên kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn, nghiêm túc thực hiện các Thỏa thuận Stockholm và Ryiadh. Họ cũng nói rõ Yemen đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có việc giá cả leo thang, thiếu nước sinh hoạt, nguy cơ xảy ra nạn đói và mất an ninh lương thực.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Haiti ảnh 2Lực lượng an ninh Yemen chuyển một thi thể tại hiện trường một vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự ở thành phố Aden, phía Tây Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thống kê, viện trợ quốc tế cho Yemen dù đã tăng 30% (8/2020) và 42% (10/2020) nhưng vẫn thấp hơn so với mức 65% cùng kì năm 2019.

Các thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ với những đánh giá của các báo cáo viên; kêu gọi các bên tiếp tục thực hiện Thỏa thuận Stockholm và Riyadh; lên án các hành vi bạo lực nhằm vào thường dân và trẻ em; kêu gọi tăng tài trợ cho Yemen để duy trì các chương trình nhân đạo.

Các nước thúc giục các bên thực hiện lệnh ngừng bắn, nối lại đàm phán và chấp nhận đề xuất dự thảo Tuyên bố chung hướng tới lệnh ngừng bắn toàn quốc của đặc phái viên Griffiths.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Trà hoan nghênh việc các bên liên quan tại Yemen đã thực hiện trao trả các cá nhân bị bắt giữ, cho đây là bước đi quan trọng góp phần thực hiện Thỏa thuận Stockholm.

Đại diện Việt Nam bày tỏ lo ngại trước các hành động thù địch gần đây tại Yemen, làm nhiều người thiệt mạng trong đó có phụ nữ và trẻ em; kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh, nối lại đàm phán hòa bình và thực hiện nghiêm túc các Thỏa thuận Stockholm và Riyadh.

Đại diện Việt Nam nhắc lại ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen; cũng như các nỗ lực của đặc phái viên Griffiths cùng các cơ quan của Liên hợp quốc  trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện cho Yemen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục