Hội đồng Bảo an LHQ ưu tiên giảm leo thang căng thẳng tại Sudan

Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ cho biết các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế đã làm việc liên tục để cố gắng giảm leo thang cuộc khủng hoảng tại Sudan kể từ khi bạo lực bùng phát vào giữa tháng 4.
Hội đồng Bảo an LHQ ưu tiên giảm leo thang căng thẳng tại Sudan ảnh 1Cảnh đổ nát sau các cuộc pháo kích vào một khu chợ ở thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 1/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bà Lana Zaki Nusseibeh khẳng định cơ quan này luôn ủng hộ sự hiện diện liên tục của Liên hợp quốc tại Sudan và dự kiến sẽ gia hạn nhiệm vụ của phái bộ Liên hợp quốc tại quốc gia này.

Bà Nusseibeh, đại diện thường trực của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Liên hợp quốc - quốc gia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luân phiên tháng 6, thông báo kết quả cuộc tham vấn kín hôm 31/5 về tình hình ở Sudan.

Bà Nusseibeh cho biết các thành viên Hội đồng Bảo an đã ủng hộ mạnh mẽ và cam kết xúc tiến công việc thiết yếu của Liên hợp quốc đối với cuộc khủng hoảng này.

Theo bà, các thành viên Hội đồng Bảo an đã có sự hỗ trợ cho UNITAMS (Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp tích hợp của Liên hợp quốc tại Sudan) để thực hiện các công việc cần thiết tại thực địa.

Bà cho biết Hội đồng Bảo an dự kiến hạn nhiệm vụ của UNITAMS, chuẩn bị hết hạn vào ngày 3/6.

Bà cho biết trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bảo an, UAE đã chuẩn bị sắp xếp một cuộc họp để bỏ phiếu về việc gia hạn nhiệm vụ của UNITAMS.

Bà chủ trương tìm kiếm giải pháp ngăn chặn xung đột và các bên quay trở lại đối thoại. Bà cho biết các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế đã làm việc liên tục để cố gắng giảm leo thang cuộc khủng hoảng kể từ khi bạo lực bùng phát vào giữa tháng 4.

Liên quan đến Sudan, Mỹ ngày 1/6 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty mà nước này cáo buộc thúc đẩy cuộc xung đột ở Sudan.

[LHQ: Hơn 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột tại Sudan]

Bộ Tài chính Mỹ cho biết thực thể bị trừng phạt gồm hai công ty liên kết với quân đội, bao gồm cơ quan quốc phòng lớn nhất của Sudan và hai công ty có mối liên hệ với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).

Xung đột giữa quân đội Sudan do Tư lệnh Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và nhóm bán quân sự RSF của cựu Phó Tư lệnh Mohamed Hamdan Daglo nổ ra từ ngày 15/4.

Theo thống kê, hơn 1.800 người đã thiệt mạng trong 6 tuần giao tranh vừa qua. Liên hợp quốc cho biết gần 1,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tới nơi khác trong nước và sang các nước láng giềng, trong đó hơn 100.000 đã trốn chạy sang Cộng hòa Chad.

Cao Ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) dự báo sẽ có thêm khoảng 200.000 người buộc phải di tản sang quốc gia láng giềng này trong 3 tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục