Các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp kín trong ngày 4/12 (theo giờ Mỹ) theo đề nghị của Pháp và Anh sau khi các nước này cáo buộc Iran vừa phóng thử tên lửa tầm trung, hành động vi phạm một nghị quyết của Liên hợp quốc.
Mỹ trước đó cáo buộc vụ phóng tên lửa ngày 1/12 của Iran đã vi phạm Nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc vốn xác nhận thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.
Nghị quyết này kêu gọi Iran không tiến hành thử các tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Sau Mỹ, Bộ Ngoại giao Pháp cũng bày tỏ quan ngại về vụ thử của Iran, coi đây là hành động "khiêu khích, gây mất ổn định" và không tuân thủ Nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng coi vụ thử tên lửa của Tehran là hành động gây hấn, đe dọa và trái với Nghị quyết 2231.
Tuy nhiên, trước các cáo buộc này, Iran luôn khẳng định chương trình tên lửa của Tehran chỉ nhằm mục đích phòng vệ, không phải nhằm phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, lập trường vốn được Nga ủng hộ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cũng khẳng định chương trình tên lửa của Iran không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
[Sau chỉ trích của Mỹ, Iran khẳng định tiếp tục thử nghiệm tên lửa]
Phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook (Brai-ân Húc) cũng đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt nhằm vào chương trình tên lửa của Iran trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Brussels (Bỉ) để thảo luận với các đối tác châu Âu về vấn đề này.
Vấn đề Iran cũng là một trong số nội dung được thảo luận trong cuộc gặp ngày 3/12 giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tại Brussels.
Ngày 2/12, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này hiện là một trong những cường quốc tên lửa hàng đầu thế giới bất chấp việc phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt hà khắc trong suốt 40 năm qua.
Trả lời phỏng vấn riêng với hãng thông tấn IRNA, ông Hatami nêu rõ: “Hiện nay, Iran là một trong số các cường quốc hàng đầu thế giới về chế tạo các loại tên lửa, radar, xe bọc thép và các phương tiện bay không người lái (UAV).”
Bộ trưởng Hatami nhấn mạnh rằng sức mạnh quốc phòng của nước này là nhằm gửi đi thông điệp hòa bình và hữu nghị tới các quốc gia khác.
Theo ông Hatami, Iran đã đạt được năng suất như mong muốn và đáng hoan nghênh trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm quốc phòng và Bộ Quốc phòng nước này đã tự chủ được ngành công nghiệp quốc phòng bất chấp những biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Tehran bị áp đặt trong 40 năm qua.
Ông Hatami cho rằng lễ khánh thành dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu Kowsar tại Công ty Công nghiệp Chế tạo Máy bay Iran ở tỉnh Isfahan hồi tháng trước đã chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt nước này không có tác dụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran khẳng định Các lực lượng vũ trang nước này hiện có năng lực đánh chặn cao cũng như sẵn sàng phòng thủ toàn diện. Chiến lược của Bộ Quốc phòng Iran là nhằm nâng cấp thiết bị quốc phòng của Các lực lượng vũ trang bằng việc sử dụng các