Hội đồng Bảo an LHQ quan ngại về an ninh hạt nhân tại Ukraine

Bà Rosemary DiCarlo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, khẳng định việc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine là “trái với luật nhân đạo quốc tế.”
Hội đồng Bảo an LHQ quan ngại về an ninh hạt nhân tại Ukraine ảnh 1Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Ukraine tại New York, Mỹ, ngày 28/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 4/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn cấp sau khi nhà máy Zaporizhzhia, nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine, bị trúng đạn và cháy nổ xảy ra nhưng may mắn dập được.

Phát biểu trước phiên họp của Hội đồng Bảo an theo đề nghị của 6 nước trong Hội đồng gồm Anh, Mỹ, Pháp, Na Uy, Ireland và Albania, bà Rosemary DiCarlo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định việc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân là “trái với luật nhân đạo quốc tế.”

Bà DiCarlo nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự ở khu vực các nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu là “không chấp nhận được.”

Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield cho rằng vụ việc xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân đã đặt cả châu Âu vào tình huống nguy hiểm.

[Việt Nam chia sẻ quan tâm của các nước về an ninh hạt nhân tại Ukraine]

Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi không để những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Bà Woodward nhấn mạnh rằng kể cả trong giao tranh, vẫn phải tránh và bảo vệ an toàn và an ninh cho các khu vực có năng lượng hạt nhân.

Đại sứ Sergiy Kyslytsya, Trưởng phái đoàn thường trực Ukraine tại Liên hợp quốc, kêu gọi các lực lượng quân sự của Nga rút quân khỏi khu vực nhà máy điện hạt nhân nói trên và thiết lập khu vực cấm bay tại Ukraine để bảo vệ dân thường khỏi các vụ không kích.

Về phần mình, Đại sứ Vassily Nebenzi, Trưởng phái đoàn thường trực Nga tại Liên hợp quốc bác bỏ các cáo buộc về việc Nga tấn công nhà máy điện ở Ukraine, cho rằng đó là những thông tin không đúng sự thật nhằm chống lại Nga.

Đại sứ Nebenzi cho rằng quân Nga và quân Ukraine có giao tranh ở khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhưng Nga không nã đạn vào nhà máy này.

Nhiều nước trong Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về sự việc nêu trên và cảnh báo một thảm họa hạt nhân như những gì xảy ra ở Chernobyl hồi năm 1986 có thể bị lặp lại.

Đại sứ Nicolas de Riviere, Trưởng phái đoàn thường trực Pháp tại Liên hợp quốc nhận định những hành động của Nga tại Ukraine có thể gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho con người và môi trường. Pháp, một trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an và Mexico, nước Ủy viên không thường trực đang soạn thảo một nghị quyết để đưa ra trước Hội đồng Bảo an vào tuần tới nhằm tìm giải pháp cho vấn đề nhân đạo tại Ukraine.

Qua điện thoại, ông Rafaef Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông tin tới Hội đồng Bảo an rằng sẽ tới Ukraine để xem xét vấn đề an ninh của các nhà máy điện hạt nhân tại đây.

Đây là cuộc họp khẩn cấp lần thứ 6 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 23/2/2022 (24/2/2022 theo giờ Việt Nam)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục