Hội đồng Bảo án hối thúc phiến quân Hồi giáo Houthi từ bỏ quyền lực

Tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/2 đã thông qua nghị quyết hối thúc lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi ở Yemen từ bỏ quyền lực.
Hội đồng Bảo án hối thúc phiến quân Hồi giáo Houthi từ bỏ quyền lực ảnh 1Nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/2 đã thông qua nghị quyết hối thúc lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi ở Yemen từ bỏ quyền lực, trả tự do cho Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi và tham gia các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Nghị quyết do Anh và Jordan soạn thảo kêu gọi tất cả các đảng phái ở Yemen giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, không sử dụng vũ lực nhằm đạt được mục đích chính trị.

Nghị quyết nêu rõ các đảng phái tại Yemen phải “đẩy nhanh các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc làm trung gian với sự tham gia của tất cả các thành phần” cũng như ấn định thời điểm tiến hành trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng yêu cầu phiến quân Houthi "ngay lập tức" tham gia "vô điều kiện" các cuộc đàm phán, rút các lực lượng của tổ chức này ra khỏi các cơ quan chính phủ, trao trả các cơ quan chính phủ và an ninh, khôi phục an ninh tại thủ đô Sanaa và các tỉnh khác.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hối thúc cộng đồng quốc tế "làm tất cả những gì có thể" nhằm giúp Yemen thoát khỏi tình trạng vô chính phủ. 

Yemen rơi vào khủng hoảng kể từ tháng 9/2014, khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa, đẩy đất nước vào nguy cơ nội chiến và tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo dòng Sunni ở Yemen. Hôm 6/2, phiến quân Houthi đã đơn phương thông báo thành lập "Hội đồng tổng thống" để tiếp quản quyền lực và tiến tới xây dựng "Hội đồng dân tộc" gồm 551 thành viên thay thế Quốc hội hiện hành.

Động thái này đã vấp phải sự phản đối của các đảng phái chính trị của Yemen và nhiều nước Vùng Vịnh.

Trước tình hình trên, nhiều nước như Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Anh và Hà Lan, Tây Ban Nha và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đóng cửa Đại sứ quán tại Yemen và rút các nhân viên ngoại giao về nước vì lý do an ninh.

Ngày 15/2, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Yemen và sơ tán các nhân viên ngoại giao. Trước đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo công dân nước này cần rời khỏi Yemen ngay lập tức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục