Ngày 12/7, Hội đồng Anh thông báo chương trình tài trợ "Kết nối thông qua văn hóa" đã bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký.
Cụ thể, các nghệ sỹ Việt Nam có thể nộp đơn xin tài trợ lên tới 10.000 bảng Anh (khoảng 320 triệu đồng) cho các dự án thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Đây là chương trình tài trợ trị giá 700.000 bảng Anh được thiết kế nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa và nghệ thuật giữa Vương quốc Anh và các nước Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Chương trình nhận hồ sơ đăng ký cho tất cả các loại hình nghệ thuật, ưu tiên các đề xuất có liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tính đa dạng và hòa nhập.
Các dự án được hỗ trợ bởi chương trình tài trợ "Kết nối thông qua văn hóa" phải bao gồm ít nhất một đối tác có trụ sở tại Vương quốc Anh và một đối tác có trụ sở tại Việt Nam.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi tự hào được hỗ trợ những hợp tác sáng tạo mới giữa Vương quốc Anh và Việt Nam thông qua các khoản tài trợ kết nối thông qua văn hóa. Những khoản tài trợ này sẽ giúp khơi dậy những ý tưởng lớn thông qua sự hợp tác.”
Theo bà Donna McGowan, Hội đồng Anh mong muốn giới thiệu các cơ hội hợp tác, và luôn chào đón các nghệ sỹ ở cả hai quốc gia cùng kết nối và thể hiện tài năng trên trường quốc tế. Các khoản tài trợ kết nối thông qua văn hóa không chỉ tạo ra những trao đổi nghệ thuật có ý nghĩa mà còn giúp mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn, từ đó làm phong phú thêm bối cảnh sáng tạo toàn cầu.
Kể từ lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2019, đến nay đã có 16 khoản tài trợ đã được trao cho các dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hóa (CPED) với dự án “Nghề thủ công dệt nên tương lai mới của thời trang bền vững” là một trong những dự án nhận được hỗ trợ của chương trình năm 2021-2022.
Bà Lê Thị Quỳnh Châu, đại diện trung tâm đã có cơ hội kết nối với nhà thiết kế người Anh Victoria Ho ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19 để quảng bá cho dệt dèng và cườm chì không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Vương quốc Anh.
“Cá nhân tôi thực sự cảm thấy tự hào cuối cùng chúng tôi không những xây dựng được một cuốn cẩm nang mà còn triển khai được khóa đào tạo và cuộc thi thiết kế để thu hút sự chú ý nhiều hơn cho kỹ thuật dệt dèng và cườm chì của Việt Nam,” bà Châu chia sẻ.
Thông qua hợp tác với nhà thiết kế Victoria Ho, dự án giúp mở rộng mạng lưới của CPED ở cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Hai bên cũng thực hiện cuốn cẩm nang song ngữ Việt-Anh mô tả cách nghệ nhân dệt vải cùng góc nhìn từ nhà thiết kế người Anh.
“Nghiên cứu này cũng giúp chúng tôi có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa cũng như quy trình làm việc của nhau. Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa,” bà Châu nói./.
Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Lào ở tỉnh Điện Biên
Từ xưa, người dân tộc Lào quan niệm phụ nữ phải biết dệt vải, nếu không biết dệt vải sẽ không lấy được chồng, bởi vậy, nhiều cô gái Lào đã được các bà, các mẹ truyền dạy nghề dệt từ khi còn nhỏ.
Các ứng viên tiềm năng có thể tìm thêm thông tin trên trang web của Hội đồng Anh, bao gồm bộ tài liệu hướng dẫn, các câu hỏi thường gặp và các buổi cung cấp thông tin để hỗ trợ các tổ chức và nghệ sỹ trong quá trình đăng ký.
Buổi cung cấp thông tin 1: 8h ngày 17/7/2024;
Buổi cung cấp thông tin 2: 9h ngày 18/7/2024;
Buổi cung cấp thông tin 3: 9h ngày 23/7/2024;
Buổi cung cấp thông tin 4: 10h ngày 25/7/2024.
Hạn cuối nộp hồ sơ ngày 2/9/2024.