Hội diễn cải lương toàn quốc: Cuộc hội tụ của 27 vở

Trong số 27 vở diễn tham dự Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, khai mạc ngày 17/11 tới, có tới 24 vở mới.
Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 24 đơn vị sẽ chính thức mở màn vào tối 17/11 tại rạp Hưng Đạo.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, trong buổi họp báo diễn ra vào sáng 11/11 thì trong số 27 vở dự hội diễn có đến 24 vở mới. Điều này tạo nên sự háo hức chờ đợi cho báo chí cũng như khán giả đến với hội diễn.

Nhìn vào kịch mục thì các vở có đề tài lịch sử chiếm áp đảo (đặc biệt là các đơn vị phía Bắc). Đây cũng là điều dễ hiểu khi những đề tài lịch sử, dã sử, luôn là mảnh đất màu mỡ cho loại hình kịch hát dân tộc.

Trong đó nhiều vở đã ra mắt khán giả và được công luận đánh giá khá tốt trong thời gian qua như "Đế đô sóng cả", "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" (Nhà hát Cải lương Trung ương), "Lễ mở xiêm áo" (Nhà hát Cải lương Hà Nội), "Phù Vân" (Đoàn Cải lương Quảng Ninh), "Dấu ấn giao thời" (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)...

Những vở mang hơi thở đương đại phản ánh hiện thực xã hội vẫn luôn là thử thách với loại hình kịch hát truyền thống, một lần nữa lại nép mình khiêm tốn trong hội diễn, nhất là khi nhiều vở được dựng với mục đích hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Khu vực phía Bắc mặc dù chỉ có 7 đơn vị góp mặt với 9 vở diễn nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ khá sớm, nhiều vở đã công diễn phục vụ khán giả. Và đến thời điểm này chỉ còn chờ ngày có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để khai hội.

Trong khi đó, các đơn vị phía Nam, cái nôi của cải lương, với 17 đơn vị và 18 vở lại có vẻ “đủng đỉnh” khi ngày khai mạc đã gần kề mà nhiều vở chỉ mới ráp đường dây hoặc phúc khảo và còn phải chỉnh sửa thêm.

Khác với sự rầm rộ của các đơn vị xã hội hóa trong Hội diễn Sân khấu kịch, Hội diễn Sân khấu cải lương vẫn là cuộc chơi của những đơn vị công lập được Nhà nước đầu tư dựng vở và chỉ có 3 nhóm xã hội hóa lặng lẽ ra quân với 3 vở "Nước mắt thâm tình" (Nhóm Thắp sáng niềm tin, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), "Anh linh của đất" (câu lạc bộ Cải lương thử nghiệm 5B) và "Sau lũy tre làng" (Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương  mại Hoàng Anh Tú). Đặc biệt nhất phải kể đến vở "Truyền thuyết thần Neak Ta" của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) khi vở sẽ diễn bằng tiếng Khmer.

Rút kinh nghiệm từ Hội diễn Sân khấu kịch toàn quốc diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 vừa qua, Ban tổ chức đã có một số thay đổi theo hướng tích cực là bỏ hẳn quy định hạn chế thời gian mỗi vở diễn là 120 phút, đồng thời giãn tần suất các vở diễn (chỉ 2 vở/ngày) để Ban giám khảo, phóng viên báo đài và khán giả không quá mệt mỏi vì phải “chạy sô” xem hát.

Việc các tác giả, đạo diễn phạm quy vì có quá 3 tác phẩm dự hội diễn cũng đã không xảy ra. Tác giả Lê Duy Hạnh và đạo diễn Trần Ngọc Giàu là “đắt sô” nhất khi mỗi người có 3 vở dự thi (nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Giàu còn làm cố vấn thêm 2 vở nữa)./.

(TT&VH/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục