Hỏi đáp COVID-19: Tại sao người bệnh đã âm tính vẫn bị ho kéo dài?

Ho là một phản xạ làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi đường thở. Khi kháng nguyên ở vùng mũi họng không còn, người bệnh có thể tiếp tục bị ho khan trong một thời gian.

Hỏi: Rất nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 sau khi test nhanh có kết quả kháng nguyên âm tính nhưng vẫn có dấu hiệu ho. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có hiện tượng này ở người nhiễm bệnh, và cách giảm ho như thế nào thì hiệu quả ? 

Trả lời: Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào - Giảng viên/bác sĩ bộ môn Tai-Mũi-Họng, trường Đại học Y Hà Nội, ho là một phản xạ làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi đường thở. Khi kháng nguyên ở vùng mũi họng không còn, người bệnh có thể tiếp tục bị ho khan trong một thời gian. 

Ho sau COVID-19 cũng có thể xuất hiện thành cơn gây kích ứng, đau rát họng, đau dọc theo đường giữa xuống ngực dẫn tới người bệnh không ăn, không ngủ được, gây ra tổn thương ở phổi. Mặt khác, ho kéo dài có thể làm tổn thương biểu mô đường hô hấp dẫn tới sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm…

Ngoài ra, người nhiễm SARS-CoV-2 có thể bị ngạt mũi. Nếu không điều trị mà thở bằng miệng, bệnh nhân sẽ hít nhiều không khí khô, không được hệ thống làm sạch, làm ấm và làm ẩm của mũi xử lý mà đi thẳng vào phổi, ảnh hưởng đến niêm mạc của đường thở và gây ho.

Vậy nên để xử trí cơn ho khi không dùng thuốc, người bệnh nên hít vào và thở ra bằng mũi, thở chậm cho đến khi hết ho, ngậm miệng và nuốt liên tục đến khi hết cơn ho, uống những ngụm nhỏ nước ấm đến khi cơn ho dừng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục