Hỏi: Theo những thống kê gần đây, nhiều người bệnh sau khi khỏi COVID-19 đang gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.
Biểu hiện của tình trạng này là khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên bị thức giấc giữa đêm hoặc giấc ngủ chập chờn, trằn trọc. Bệnh nhân không thể ngủ ngon giấc, từ đó dẫn đến tình trạng thức dậy rất sớm nhưng cơ thể lại mệt mỏi, rệu rã.
Làm thế nào để giảm mất ngủ hậu COVID-19?
Trả lời: Theo số liệu từ Bộ Y tế, khoảng 40% người bệnh bị mất ngủ khi mắc COVID-19. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng này. Nguyên nhân đầu tiên đến từ tác dụng phụ của các loại thuốc; do môi trường bệnh viện hoặc các trải nghiệm xấu trong quá trình nhiễm bệnh.
Nguyên nhân tiếp theo là do thiếu ánh sáng tự nhiên dẫn đến não, làm giảm tổng hợp Melatonin. Đây là một chất gây cảm giác buồn ngủ ở con người. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mất ngủ do cảm thấy sợ hãi hoặc do căng thẳng, lo lắng cao độ khi gặp phải những biểu hiện nhiễm bệnh.
Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quang Hòa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết F0 gặp tình trạng mất ngủ trong và sau nhiễm cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục đều đặn. Cụ thể như sau:
Vào buổi chiều, bệnh nhân không uống cafe, trà, rượu; tránh ăn quá no hoặc tập thể dục nặng trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ.
Trước khi đi ngủ, người bệnh cần tạo thói quen giảm ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ và tiếng ồn, có thể thư giãn bằng cách đọc sách hoặc nghe nhạc. Để duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn, phòng ngủ của mỗi người chỉ dành cho việc ngủ, tránh xa các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại hay máy tính.
Trong khi ngủ không nhìn vào đồng hồ; nếu thức quá 20 phút, bệnh nhân hãy ra khỏi giường cho đến khi buồn ngủ lại. Điều này sẽ giúp giảm lo lắng và dễ vào giấc hơn so với việc nằm trằn trọc./.