Ngày 22/3, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội đàm "Gặp gỡ đầu Xuân 2019" giữa Bí thư Tỉnh ủy bốn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Tại cuộc hội đàm, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa bốn tỉnh phía Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục được tăng cường, phát triển. Hai bên đã duy trì thường xuyên, linh hoạt các hoạt động giao lưu tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao các bên; cùng quan tâm chỉ đạo các ngành, các huyện, thị biên giới của hai bên tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Để thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai bên tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích thiết thực, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đề xuất một số nội dung mà lãnh đạo các tỉnh phía Việt Nam sẽ trao đổi với lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tại Chương trình "Gặp gỡ đầu Xuân 2019," như tiếp tục duy trì cơ chế giao lưu hợp tác có hiệu quả, tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên đi vào chiều sâu.
Hai bên chỉ đạo chính quyền các tỉnh-khu, phát huy tốt vai trò các cơ chế hợp tác của Ủy ban công tác liên hợp, hợp tác giữa các cơ quan chức năng; trọng điểm trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, xây dựng kết nối giao thông, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở, nâng cấp cửa khẩu, cặp chợ biên giới; hợp tác du lịch qua biên giới; hợp tác về việc tiện lợi hóa thông quan; hợp tác lao động qua biên giới; tư pháp; nông nghiệp và khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao, y tế…
Hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp ủy đảng và các cơ quan; tiếp tục triển khai tốt các hoạt động gặp mặt hữu nghị thanh, thiếu niên Việt Nam-Trung Quốc; liên hoan cư dân biên giới, hợp tác vì sự tiến bộ của phụ nữ; mở rộng giao lưu hợp tác giữa các thành phố, huyện, thôn bản kết nghĩa; tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị của hai nước, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung.
[Quảng Tây coi trọng quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam]
Hai bên chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý biên giới quán triệt, thực hiện nghiêm túc ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Vệt Nam-Trung Quốc và Biên bản các phiên họp của Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc; giải quyết ổn thỏa các vụ việc trên biên giới; điều tra giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn dân sự trên khu vực biên giới; bàn bạc để đưa các hoạt động tại cửa khẩu biên giới đi vào nề nếp; phòng chống, triệt phá buôn lậu cùng các loại hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật; cùng nhau giữ gìn hòa bình ổn định và trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Hai bên tiếp tục thực hiện hợp tác quản lý lao động qua biên giới; đồng thời phối hợp, trao đổi nhằm kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ về chính sách, chế độ, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của các công ty tại bốn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh và tại Quảng Tây cho chuyên gia, người lao động. Hai bên triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Biên bản ghi nhớ Phối hợp triển khai cơ chế hợp tác xây dựng biên giới bình yên giữa Ban nội chính Tỉnh ủy Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và thành phố Sùng Tả (Trung Quốc).
Từ sau Chương trình "Gặp gỡ đầu Xuân 2018" đến nay hai bên đã tổ chức thành công nhiều cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao của hai bên như cấp bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, hội đồng nhân dân tỉnh và nhiều đoàn đại biểu sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố hai bên. Các bên đã thường xuyên thăm hỏi, trao đổi thông tin và gửi thư chúc mừng nhân dịp các sự kiện quan trọng của mỗi bên.
Các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai bên ngày càng toàn diện và đi vào thực chất, từng bước mang lại lợi ích thiết thực trong việc hợp tác trên các lĩnh vực trọng điểm như thúc đẩy hợp tác du lịch; tăng cường kết nối giao thông; hợp tác mở, nâng cấp cửa khẩu, cặp chợ biên giới; khởi động công tác thí điểm tiện lợi hóa thông quan; hợp tác quản lý lao động qua biên giới; xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới; thương mại đầu tư và phòng chống buôn lậu…/.