Hội chứng vùi lấp đang tàn phá sức khỏe các nạn nhân động đất ở Syria

Hàng trăm bệnh nhân ở Tây Bắc Syria đang mắc hội chứng vùi lấp sau động đất mà các cơ sở y tế tại đây không thể chữa trị do thiếu thốn tài nguyên.
Hội chứng vùi lấp đang tàn phá sức khỏe các nạn nhân động đất ở Syria ảnh 1Nhiều người sống sót sau thảm họa động đất có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe do hội chứng vùi lấp. (Nguồn: Aljazeera_

Khi em bé Nour Abdelqader, 2 tuổi, được kéo ra khỏi đống đổ nát ở thị trấn Jandaris sau trận động đất chết người vào tháng trước, các đội cứu hộ nghĩ rằng cô bé đã chết.

Anh trai và mẹ của Nour đã không còn sống, nhưng tim của cô bé vẫn còn đập khi được đưa đến một bệnh viện ở Afrin, tây bắc Syria. 

Nhưng giống như nhiều người sống sót khác, sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ giết chết hơn 50.000 người trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2, Nour đang bị ảnh hưởng bởi thứ được các bác sĩ gọi là “hội chứng vùi lấp”. 

Hội chứng xảy ra sau khi tay chân của em bị đè bẹp dưới sức nặng của đống đổ nát trong một thời gian kéo dài. Cô bé bị mất chân phải vì các biến chứng từ vết thương, vốn nặng đến mức có thể khiến em mất mạng. Các bác sĩ hiện đang cố gắng cung cấp phương pháp điều trị và hỗ trợ cần thiết để giúp cô bé học lại cách đi lại.

Abdelsalam al-Naasan, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Akrabat, một cơ sở nằm dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ được tài trợ bởi Liên minh các Tổ chức Cứu trợ và Chăm sóc Y tế (UOSSM) cho biết: “Cả hai chân của Nour đều bị thương tổn nghiêm trọng trong trận động đất. Chúng tôi phải cắt bỏ một chân vì vết thương quá rộng, làm nó không hoạt động được nữa và bị nhiễm trùng”.

Nour sẽ cần một chiếc chân phải giả trong tương lai. Cô bé cũng sẽ phải trải qua các ca phẫu thuật phức tạp, bên cạnh nhiều hoạt động trị liệu, để lấy lại chức năng ở chân trái. Al-Naasan giải thích thêm rằng không có dịch vụ chăm sóc tối ưu cho những việc này ở Tây Bắc Syria.

“Những gì chúng tôi có thể cung cấp ở đây không thể giúp cô bé tránh bị tàn tật hoặc dị tật lâu dài”, ông cho biết.

Mặc dù dì của Nour là Fransa al-Manadi hiểu rằng quá trình hồi phục của cháu gái sẽ rất lâu và gian khổ, nhưng bà vẫn hy vọng có thể nhìn thấy cô bé sẽ đi lại được.

“Tôi rất vui vì cháu vẫn còn sống, dù chỉ còn một chân,” cô nói. “Tôi biết việc điều trị của cháu sẽ khó khăn, nhưng vẫn hy vọng Nour sẽ sống một cuộc sống bình thường nhất có thể.”

Hội chứng vùi lấp là hiện tượng xuất hiện khi các chi bị thiếu máu trong thời gian dài, khiến nhiều sợi cơ bị chết và giải phóng chất độc vào máu. Hội chứng có thể dẫn đến việc phải cắt cụt chi, gây suy thận, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng và các biến chứng khác có thể gây tử vong.

Các quan chức cho biết ít nhất 100 người sống sót sau trận động đất đã được chẩn đoán mắc bệnh suy thận do hội chứng vùi lấp gây ra.

Theo các quan chức y tế ở Tây Bắc Syria, hàng trăm người trong số 12.000 người bị thương trong trận động đất đã được chẩn đoán mắc hội chứng vùi lấp, mặc dù con số chính xác vẫn chưa được xác định.

Còn theo số liệu thống kê từ trang tin Al Jazeera, gần 6.000 người đã thiệt mạng ở Tây Bắc Syria trong các trận động đất và vì hậu quả của chúng.

Trong khi tình trạng của Nour rất phức tạp, Barakat Maajoum, 65 tuổi, người cũng bị hội chứng vùi lấp trong trận động đất, đã may mắn hơn.

“Khi tòa nhà của chúng tôi sụp đổ trong trận động đất, sức nặng của đống đổ nát đã làm hỏng các mạch máu ở cánh tay của tôi và khiến cơ bắp tôi bị nghiền nát,” ông bố 3 con đến từ Jandaris cho biết.

Ông nói thêm: “Nhưng tôi đã được đưa đến một bệnh viện ở Bab al-Hawa và được phẫu thuật ngay lập tức. Tôi là người duy nhất bị thương trong gia đình và rất may mắn vì vẫn còn cánh tay của mình”.

Theo al-Naasan, khoảng thời gian từ 6 đến 9 giờ đầu tiên sau khi bị thương do vật nặng đè lên người là thời điểm rất quan trọng để cứu các chi khỏi việc bị ảnh hưởng.

“Sau 24 hoặc 36 giờ, cơ hội cứu được một chi trở nên mong manh hơn,” ông nói. Cũng theo ông, phẫu thuật cắt cân cơ – cắt mở lớp mô liên kết không linh hoạt, đang hạn chế các cơ, để cho phép chỗ sưng được lan rộng ra – đôi khi là cần thiết để phục hồi lưu lượng máu mà cơ cần để tồn tại.

Maajoum phải ở lại bệnh viện ở Akrabat một thời gian nữa, nhưng các bác sĩ hy vọng ông sẽ bình phục hoàn toàn và cuối cùng có thể trở lại làm việc với tư cách là một giáo sĩ trong nhà thờ Hồi giáo địa phương.

Al-Naasan cho biết: “Hội chứng vùi lấp đặc biệt nguy hiểm vì myoglobin và kali (các chất độc hại) được giải phóng vào máu có thể gây tổn thương và suy thận.” Ông giải thích rằng chỉ riêng tại Bệnh viện Akrabat đã có ít nhất 300 người được chẩn đoán mắc hội chứng vùi lấp.

Ngoài việc phải lọc thận, nhiều bệnh nhân mắc hội chứng vùi lấp cần được chăm sóc chuyên khoa và thực hiện các thủ thuật phức tạp để điều trị chấn thương với những cơ quan bị tổn thương. Họ cũng cần được hỗ trợ phục hồi chức năng để lấy lại chức năng của các chi. Nhiều người có thể bị tàn tật toàn bộ hoặc một phần, tùy thuộc vào mức độ tổn thương tay chân của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục