Hội chứng chị cả: Trách nhiệm, bất mãn, hay chỉ là một hiện tượng mạng?

Nhiều người là chị cả cảm thấy bị buộc phải “trưởng thành” quá sớm trước kỳ vọng của bố mẹ về trách nhiệm đối với các em và dường như có suy nghĩ họ bị kìm hãm bởi chính những áp lực đó.
Nhiều chị cả cảm thấy áp lực do phải gánh trách nhiệm trong gia đình. (Nguồn: Family Education)

Cụm từ “hội chứng chị cả” đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội, gợi lên những câu chuyện về áp lực, trách nhiệm và sự bất mãn mà các chị cả trong gia đình phải gánh chịu. Nhưng liệu đây có phải là một hiện tượng tâm lý thực sự?

Hội chứng hay hiện tượng mạng?

Trong một video trên TikTok với hơn 6 triệu lượt xem, Kati Morton, nhà trị liệu về hôn nhân và gia đình tại Santa Monica, California đã liệt kê những dấu hiệu được cho là đặc trưng của "hội chứng chị cả."

Các đặc điểm này bao gồm: cảm giác trách nhiệm gia đình quá mức, xu hướng làm hài lòng người khác, và sự bất mãn với cha mẹ.

Trên nền tảng mạng xã hội X, một bài viết gây bão đặt câu hỏi: “Bạn thực sự hạnh phúc hay chỉ đơn giản là con gái cả?” Những meme và bài viết về chủ đề này đã nhận được sự đồng cảm từ nhiều người chị, khiến họ cảm thấy được thấu hiểu.

Tuy nhiên, Morton lưu ý rằng “hội chứng chị cả” không phải một thuật ngữ tâm lý chính thức. Theo chuyên gia này, những trải nghiệm trên có thể liên quan nhiều hơn đến chuẩn mực giới tính hơn là thứ tự sinh.

Morton chia sẻ: “Mọi người đang cố gắng hiểu bản thân và tìm kiếm sự đồng cảm. Đây chỉ là một cách để họ kể lại câu chuyện của mình.”

Thứ tự sinh ảnh hưởng gì tới tính cách

Những định kiến về thứ tự sinh không còn xa lạ: con cả thường được cho phải gánh trách nhiệm và yêu cầu về thành tích cao, con giữa hòa đồng nhưng dễ nổi loạn, trong khi con út thì đáng yêu nhưng có phần ỷ lại.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra mối liên hệ giữa thứ tự sinh và các yếu tố như trình độ học vấn, chỉ số IQ, hoặc thậm chí xu hướng chấp nhận rủi ro.

Tuy nhiên, theo Rodica Damian, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Houston, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào một thời điểm nhất định và thường tiến hành ở quy mô nhỏ.

Năm 2015, một nghiên cứu lớn hơn với hơn 20.000 người tại Đức, Anh và Mỹ cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa thứ tự sinh và đặc điểm tính cách. Tuy nhiên, nghiên cứu này phát hiện rằng con cả có chút lợi thế về IQ - một chi tiết khiến nhiều chị cả tự hào.

Chị cả thường phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc các em. (Nguồn: Verywell Mind)

“Dù vậy, những khác biệt này nhỏ đến mức không đáng kể,” Damian cho biết, đồng thời lưu ý rằng văn hóa gia đình và kỳ vọng xã hội có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến vai trò của từng thành viên trong gia đình.

Trải nghiệm cá nhân: Khi trách nhiệm vượt quá giới hạn

Sara Stanizai, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại Long Beach, California, đã tổ chức các buổi chia sẻ trực tuyến dành riêng cho những chị cả. Những buổi gặp này thường xoay quanh cách thứ tự sinh định hình động lực gia đình và các mối quan hệ.

Từ chính trải nghiệm của Stanizai, khi là chị cả trong một gia đình gốc Afghanistan tại Mỹ, đã truyền cảm hứng cho chương trình này.

Bà cho biết mình từng cảm thấy bị buộc phải “trưởng thành” quá sớm, vừa vì thứ tự sinh, vừa vì vai trò giới tính. “Tôi bị kỳ vọng phải chịu trách nhiệm đối với các em và thường cảm thấy mình bị kìm hãm bởi những áp lực gia đình,” bà chia sẻ.

Trong các buổi trị liệu, bà khuyến khích khách hàng tự hỏi: “Gia đình nhìn nhận tôi như thế nào? Tôi tự nhìn nhận bản thân ra sao? Và những kỳ vọng này tác động thế nào đến vai trò của tôi?” Những câu hỏi này giúp các chị cả nhận ra cách họ tự gánh vác trách nhiệm trong khi các em lại thoải mái hơn trong việc từ chối.

Các chuyên gia đồng ý rằng việc tìm kiếm bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa thứ tự sinh và tính cách không phải là trọng tâm. Thay vào đó, điều quan trọng là cách mọi người diễn giải và kể lại trải nghiệm của mình.

Stanizai nhận xét: “Thứ tự sinh, tử vi, hay tính cách tình cảm đều là những cách để mọi người hiểu bản thân và tìm kiếm sự thấu hiểu từ người khác.”

Dù “hội chứng chị cả” không có cơ sở khoa học rõ ràng, nhưng nó đã trở thành một ngôn ngữ chung giúp nhiều người cảm thấy được kết nối và đồng cảm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục