Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tích cực hỗ trợ người dân vượt qua bão lũ
Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động cứu trợ thiết thực, đa dạng mang tính phát triển bền vững để hỗ trợ người dân vùng mưa lũ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam.
Minh Huệ
Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Bình Định chuyển hàng đi cứu trợ đồng bào vùng ngập lụt ở huyện Tuy Phước do ảnh hưởng của mưa lũ (2003). (Ảnh: Phạm Biết/TTXVN)
Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của phong trào Chữ thập Đỏ, Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế. Các hoạt động của Hội luôn nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của Hiệp Hội Chữ thập Đỏ, Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế.
Đặc biệt, có thể kể đến, trong năm 2020, khi miền Trung Việt Nam phải hứng chịu thiên tai khốc liệt, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam nhận được nguồn hỗ trợ hơn 46 tỷ đồng từ Hiệp Hội Chữ thập Đỏ, Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế. Từ nguồn ngân sách này, Hội triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp người dân ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ người dân tái thiết cuộc sống
2020 là một năm thiên tai, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt dải đất miền Trung liên tiếp hứng chịu các trận bão chồng bão, lũ chồng lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau,” Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã kích hoạt đội ứng phó thảm họa 4 cấp đồng hành cùng người dân vượt qua bão lũ; nhanh chóng triển khai dự án “Lời kêu gọi khẩn cấp về ứng phó, phục hồi và tái thiết sau mưa lũ miền Trung tháng 10/2020.”
Hội đã triển khai nhiều hoạt động cứu trợ thiết thực, đa dạng mang tính phát triển bền vững để hỗ trợ người dân vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ các tỉnh gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam.
Ngay sau khi bão đổ bộ, lũ xảy ra khiến nhiều địa phương bị cô lập, những “chiến sỹ áo đỏ” không quản nguy hiểm, tổ chức các đoàn cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ kịp thời lương thực, nước sạch, thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà cho người dân vùng bị cô lập.
Nằm trong khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi bão lũ tháng 10/2020, gia đình bà Bùi Thị Thành, xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam may mắn không mất mát về người, nhưng sự tàn phá kinh khủng của cơn bão đã khiến ngôi nhà của gia đình bị hư hại nặng; lũ cuốn trôi hết đồ đạc.
Với bà Thành, những vật dụng thiết thực được Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam trao tặng khi đó đã giúp gia đình phần nào vượt qua khó khăn trước mắt; đồng thời là nguồn động viên tinh thần to lớn để gia đình vươn lên sớm ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Huỳnh Thị Thùy, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam - một trong số hàng trăm gia đình được Hội Chữ thập Đỏ hỗ trợ sửa chữa lại căn nhà bị hư hại nặng bởi mưa bão tháng 10/2020 có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Chồng bị suy gan-mất sức lao động, con thì bị động kinh, chị Thùy là trụ cột chính của gia đình. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, chị Thùy làm không biết đến bao giờ mới có đủ tiền sửa sang lại nhà cửa. Giờ đây, gia đình chị đã có một căn nhà kiên cố, vững chắc, không còn phải quá lo lắng khi mùa mưa bão tới.
Không chỉ hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho người dân, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam còn hỗ trợ xây mới 120 căn nhà ở an toàn; cấp phát tiền mặt đa mục đích để người dân mua lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu; cấp phát tiền mặt có điều kiện để hỗ trợ phục hồi sinh kế cho hàng nghìn hộ dân…
Qua hơn một năm triển khai (tháng 10/2020- 10/2021), dự án “Lời kêu gọi khẩn cấp về ứng phó, phục hồi và tái thiết sau mưa lũ miền Trung tháng 10/2020” đã góp phần hỗ trợ hơn 17.100 người phục hồi sinh kế và lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu; hơn 25.200 người được hỗ trợ về chỗ ở, mặt hàng phi lương thực; gần 11.270 người được chăm sóc sức khỏe; gần 96.700 người được hỗ trợ về nước sạch... Số hộ gia đình trực tiếp được hỗ trợ là trên 35.600 hộ.
Nâng cao năng lực quản lý rủi ro thảm họa
Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề bởi bão lũ, các loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, trái quy định. Do đó, việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai luôn được Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam chú trọng.
Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Quảng Trị tổ chức trao quà hỗ trợ trao tặng cặp phao cho học sinh xã Thanh Thuận của huyện miền núi Hướng Hóa. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
Từ nguồn hỗ trợ của Hiệp Hội Chữ thập Đỏ-Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, Hội triển khai nhiều hoạt động quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, cung cấp trang thiết bị cho các đội ứng phó thiên tai cấp tỉnh, cấp xã của bốn tỉnh dự án “Lời kêu gọi khẩn cấp về ứng phó, phục hồi và tái thiết sau mưa lũ miền Trung tháng 10/2020.”
Các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các ban ngành tại địa phương được tham gia nhiều buổi tập huấn nâng cao năng lực như: tập huấn đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tập huấn và đánh giá trường học an toàn, hỗ trợ tiểu dự án trong trường học; diễn tập ứng phó với thiên tai; nâng cao kiến thức về giới, bảo vệ giới cho tình nguyện viên trong hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Các buổi tập huấn về đánh giá nhu cầu, lựa chọn đối tượng hưởng lợi, cách thức tổ chức cấp phát được chú trọng tổ chức cho cán bộ hội, tình nguyện viên các cấp nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng, trợ giúp cho đúng đối tượng, nhu cầu.
Theo ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Quản lý thảm họa, Điều phối viên Chương trình cứu trợ mưa lũ miền Trung, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, dự án đã để lại những bài học kinh nghiệm rất quý báu, đó là: tính kế hoạch; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các giai đoạn của quá trình can thiệp từ giai đoạn đánh giá triển khai đến giai đoạn đánh giá sự hài lòng của người dân sau khi được can thiệp.
Đặc biệt, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đánh giá rất cao sự phối hợp của các ngành tại địa phương, khi trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa ứng phó với đại dịch, vừa ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 và ứng phó với mùa thiên tai năm 2021.
Là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp tại Việt Nam, phát huy vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam luôn là một trong những lực lượng có mặt đầu tiên trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó thảm họa và cũng là lực lượng gắn bó lâu dài với người dân trong giai đoạn tái thiết, phục hồi.
Bên cạnh lực lượng quân đội, công an, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam là tổ chức dân sự duy nhất có hệ thống ứng phó thiên tai thảm họa 4 cấp với một đội ứng phó thiên tai thảm họa cấp quốc gia; gần 40 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh; gần 400 đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng.
Các hoạt động ứng phó thảm họa tuân thủ quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa SOP; tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo (SPHERF) và được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp có khả năng kết nối với quốc tế khi vượt quá khả năng ứng phó thảm họa quốc gia.
Hình ảnh những “chiến sỹ áo đỏ” không ngại hiểm nguy gian khó, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong những tình huống khẩn cấp; bền bỉ đồng hành trong giai đoạn tái thiết, phục hồi không chỉ hỗ trợ thiết thực, kịp thời mà còn động viên, tạo động lực để người dân giữ vững tinh thần lạc quan, sớm ổn định cuộc sống.
Cuộc chiến với thiên tai chưa bao giờ kết thúc, với phương châm “Chữ thập đỏ vì mọi người - Ở mọi nơi” những chiến sỹ áo đỏ" luôn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào người dân cần. Hành trang của họ là kiến thức, kỹ năng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; tinh thần hăng hái cùng trái tim đầy yêu thương./.
Thường trực Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đề nghị các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội và Hội Chữ thập Đỏ các tỉnh, thành phố tiếp tục vận động thực hiện các hoạt động ứng phó với dịch COVID-19.
Để triển khai chiến dịch hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xuất 4,3 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ 20 địa phương.
18 thiết bị lọc nước thông minh Ecosphere và 36 lõi lọc nước với tổng giá trị gần 600 triệu đồng được Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam được trao cho các bệnh viện tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM và Hà Nội.
Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam hỗ trợ người dân tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lần lượt là 200 triệu đồng và 281 triệu đồng.
Khánh Hòa là địa phương cuối cùng trong 12 tỉnh, thành phố miền Trung được trao tặng áo cứu sinh do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động ủng hộ, với tổng số 15.000 bộ trị giá trên 20 tỷ đồng.