Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019: Cùng ‘mổ xẻ’ những vấn đề 'nóng'

Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động được mong đợi. Hội chợ còn là sân chơi cho những người làm du lịch cùng trao đổi kinh nghiệm bàn thảo những vấn đề nóng hổi của ngành.
Khu du lịch Ma rừng lữ quán ở Đà Lạt hấp dẫn du khách nhờ không gian xanh và không khí trong lành. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Khu du lịch Ma rừng lữ quán ở Đà Lạt hấp dẫn du khách nhờ không gian xanh và không khí trong lành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đã trở thành điểm hẹn chào Hè thường niên, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội không chỉ là ngày hội để doanh nghiệp và người dân đến bán-mua hàng nghìn tour giá rẻ, hàng chục nghìn vé máy bay giá rẻ cùng các dịch vụ du lịch ưu đãi… mà Hội chợ còn là sân chơi cho những người làm du lịch cùng trao đổi kinh nghiệm và bàn thảo những vấn đề nóng hổi của ngành.

Lần thứ 7 tổ chức, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2019 sẽ diễn ra từ ngày 27-30/3, tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội với nhiều hoạt động nghề nghiệp được mong đợi. Trước thềm sự kiện, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh những nội dung được truyền thông quan tâm.

[Lần đầu tiên bàn vấn đề người Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài]

Thời của “Du lịch xanh”

- Lần thứ 7 tổ chức, vậy điểm nhấn của Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2019 tới đây sẽ là gì, thưa ông?

Ông Vũ Thế Bình: Qua 6 lần tổ chức Hội chợ VITM, lần thứ 7 này Hiệp hội Du lịch Việt Nam lại chọn một chủ đề tương ứng với sự phát triển của ngành là “Du lịch xanh,” tức là du lịch hướng tới bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, khắc phục những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Như chúng ta đều biết, môi trường là điều kiện sống còn trong tương lai của nhân loại và du lịch phải là ngành đi đầu trong việc vận động cả xã hội cùng đồng hành để bảo vệ môi trường.

Sự khác biệt của hội chợ năm nay với những năm khác là nhiều hoạt động hướng tới chủ đề “Du lịch xanh.” Chúng tôi sẽ có một loạt sự kiện như: Diễn đàn du lịch xanh; Diễn đàn Du lịch outbound Việt Nam-Cơ hội và thách thức; Du lịch với cuộc cách mạng 4.0… Tóm lại, 18 vấn đề nóng của ngành du lịch sẽ được mang ra bàn thảo trong khuôn khổ 4 ngày diễn ra hội chợ.

Chúng tôi nghĩ rằng, chuỗi hoạt động chuyên môn dày đặc như vậy sẽ tạo ra sắc thái khác của hội chợ, đó là hội chợ đồng hành với sự tiến bộ, phát triển của ngành du lịch. Chúng tôi đảm bảo có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự trong đó có hai quốc gia rất mới là hai đoàn du lịch Peru và Bắc Triều Tiên. Những nước khác đều đã từng đồng hành cùng VITM. Về các địa phương trong nước, có 47 tỉnh và thành phố sẽ có gian hàng tham dự hội chợ.

Có thể nói, VITM là hội chợ quy tụ được lực lượng doanh nghiệp cùng số lượng các gian hàng đông đảo cùng các sự kiện chuyên môn nhiều nhất trong số các hội chợ trong nước. Vì thế tôi nghĩ rằng, hội chợ có thể đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp du lịch, những người yêu du lịch.

Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019: Cùng ‘mổ xẻ’ những vấn đề 'nóng' ảnh 1Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam. (Ảnh:Vietnam+)

- Một trong những vấn đề nóng của ngành thời gian qua như ông vừa nói liên quan tới việc tổ chức và quản lý các tour outbound (đưa khách Việt Nam đi ra nước ngoài) gặp nhiều khó khăn. Vậy theo ông, đâu là khó khăn nhất của việc này?

Ông Vũ Thế Bình: Ngành du lịch có ba loại hình là du lịch đón khách vào (inbound), du lịch đưa khách ra (outbound) và du lịch nội địa. Với những nước có nền du lịch phát triển thì cả ba loại hình này phải phát triển một cách đồng bộ và không thể nói loại hình nào hơn loại hình nào.

Ở Việt Nam hiện nay, du lịch inbound đã đạt được những thành tựu lớn và xưa nay chúng ta vẫn quan niệm rằng tốc độ tăng trưởng khách inbound Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch, nhưng thực ra bên cạnh hoạt động inbound chúng ta còn hoạt động outbound rất rầm rộ.

Theo thống kê của chúng tôi, số lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài lên tới hàng chục triệu người. Và việc tổ chức cho hàng chục triệu người đi du lịch nước ngoài như thế là cả vấn đề hết sức to lớn.

Nếu như chính sách phát triển du lịch outbound, công tác quản lý các hoạt động outbound mà không làm tốt thì hiển nhiên du lịch outbound cũng gây ra những tác động ngược. Vừa qua những sự kiện như việc 700 khách Việt Nam bị bỏ lại Bangkok (năm 2013), 52 khách Việt Nam trốn lại đảo Jeju của Hàn Quốc (năm 2016), và gần đây nhất là sự việc 152 khách Việt trốn lại Đài Loan khi vừa đến sân bay (2018)… thể hiện rằng chúng ta chưa thực sự quan tâm và có những biện pháp quản lý tốt nhất đối với hoạt động outbound. Vì vậy, tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM lần này sẽ có một diễn đàn lớn bàn về vấn đề outbound.

Chúng ta phải hiểu outbound là nhu cầu tất yếu của sự phát triển xã hội. Người dân có quyền đi du lịch tới tất cả các quốc gia mà họ muốn, điều đó Hiến pháp đã cho phép. Thế nhưng vấn đề bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài thế nào đó là trách nhiệm của nhà nước. Vì vậy, tôi hy vọng rằng tại hội chợ lần này sẽ có nhiều ý kiến, nhiều đề xuất giúp chúng ta có thể phát huy được lợi ích to lớn của hoạt động outbound để mang đến những hoạt động sôi nổi hơn cho du lịch Việt Nam.

Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019: Cùng ‘mổ xẻ’ những vấn đề 'nóng' ảnh 2Người dân Thủ đô quan tâm tới các gói giá ưu đãi khi đi du lịch trong nước của các công ty lữ hành. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Cách mạng 4.0: Đòn bẩy cho du lịch phát triển

- Thế còn cuộc cách mạng 4.0 đã từng rất được quan tâm ở mùa hội chợ trước, theo ông có tác động đến ngành du lịch Việt Nam ra sao trong bối cảnh hiện nay?

Ông Vũ Thế Bình: Việc ứng dụng cuộc cách mạng 4.0, công nghệ 4.0 đang trở thành điểm nóng trên toàn thế giới và tất cả các ngành kinh tế của chúng ta buộc phải có những chính sách để đẩy nhanh hơn công cuộc ứng dụng này. Đối với du lịch là ngành rất nhạy cảm, vì vậy du lịch cũng cần phải đi đầu trong lĩnh vực 4.0.

Năm ngoái, khi tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018 chúng ta đã có một diễn đàn về ứng dụng 4.0 vào phát triển du lịch và năm nay, tại hội chợ cũng có hội thảo để đánh giá lại một năm phát triển công nghệ 4.0 trong ngành du lịch, những đơn vị nào đạt được thành tựu và rút kinh nghiệm gì trong quá trình triển khai.

Công nghiệp 4.0 là loại hình ứng dụng những công nghệ mới nhất có trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động, không phải chỉ là kinh doanh mà còn là quản lý, phát triển sản phẩm để có thể ứng dụng được. Với hoạt động của ngành du lịch với nhiều lĩnh vực đa dạng thì chúng tôi hy vọng tại diễn đàn lần này mọi người có thể trao đổi để rút ra những kinh nghiệm thiết thực, làm sao để du lịch Việt Nam sẽ là ngành “đi” nhanh nhất, ứng dụng nhiều nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất ngay lập tức cho việc phát triển du lịch.

Chúng tôi nghĩ không phải chỉ năm 2019 này mà nhiều hội chợ VITM tiếp theo cũng cần bàn về 4.0 bởi đó là phương thức duy nhất có thể đẩy nhanh được sự phát triển của du lịch và làm tăng thêm giá trị kinh tế của ngành.

- Như ông vừa chia sẻ thì hội chợ năm nay sẽ lần đầu có sự tham gia của đoàn xúc tiến du lịch Bắc Triều Tiên, vậy theo ông, đây có phải là cơ hội trung chuyển cho du khách Triều Tiên đến Việt Nam trong thời gian tới và ngược lại?

Ông Vũ Thế Bình: Triều Tiên vẫn là một quốc gia đầy bí hiểm với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhưng Triều Tiên cũng là nước rất đẹp, có phong cảnh hữu tình, nền văn hóa truyền thống và có nhiều điểm hấp dẫn du khách.

Với du lịch, chúng ta làm bạn với cả thế giới cho nên lần này Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã mời đoàn du lịch Bắc Triều Tiên đến dự. Và chúng tôi hy vọng truyền thông Việt Nam và các nhà làm du lịch trong nước sẽ lần đầu tiếp xúc với những người làm du lịch Bắc Triều Tiên để chúng ta thấy rằng một đất nước bí hiểm như vậy nhưng thực ra vẫn hoạt động bình thường, họ cũng có nhu cầu đi du lịch và đặc biệt cũng có nhu cầu đón khách du lịch.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ để du lịch Triều Tiên có thêm cơ hội phát triển, tăng cường xúc tiến quảng bá cho Triều Tiên để tăng lượng khách đến với nước bạn. Sự hợp tác giữa Việt Nam-Triều Tiên trong lĩnh vực du lịch như thế nào chúng ta sẽ chờ đợi ở hoạt động của đoàn Triều Tiên trong hội chợ sắp tới cũng như họp báo của đoàn Triều Tiên tới đây.

Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019: Cùng ‘mổ xẻ’ những vấn đề 'nóng' ảnh 3Du khách chen lấn mua tour giá rẻ ở hội chợ năm 2018. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

VITM: Ngày hội cho doanh nghiệp du lịch Việt

- Ông đánh giá thế nào về những thành công từ những mùa hội chợ VITM trước đây?

Ông Vũ Thế Bình: Hội chợ du lịch VITM đã tạo ra được một sân chơi cho các doanh nghiệp, là nơi cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, thiết lập các mối quan hệ; tạo ra một chương trình kích cầu rộng lớn với hàng ngàn tour du lịch giá rẻ, hàng ngàn vé máy bay giá rẻ…

Hội chợ tạo cơ hội cho người dân có nhu cầu đi du lịch có thể tiếp cận được, tìm được sản phẩm cho mình đồng thời cũng tạo cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngay tại hội chợ. Như thế là chúng ta đã đưa được khách hàng đến với các sản phẩm du lịch một cách dễ dàng nhất.

Cho nên thành công của VITM là thành công cho các doanh nghiệp, những người làm nên thành công của ngành có cơ hội được trực tiếp thể hiện năng lực của mình, và người đi du lịch được quyền chọn lựa những gì mình thích. Với cách đặt vấn đề của hội chợ VITM như vậy, tôi nghĩ nhiều hội chợ du lịch của Việt Nam cũng sẽ chuyển hướng.

Nếu như trước đây, hội chợ chỉ là nơi triển lãm giới thiệu tranh ảnh đẹp về phong cảnh Việt Nam, các điểm đến của Việt Nam thì giờ đây hội chợ đã trở nên đúng nghĩa hơn, là cái chợ mà ở đó người ta có thể trao đổi kể cả các sản phẩm, hợp đồng hay thiết lập các mối quan hệ.

Từ đó, VITM trở thành sân chơi của các doanh nghiệp với hàng loạt hoạt động bàn về các vấn đề nóng của ngành du lịch. Ở đó, họ có quyền trao đổi các quan điểm về phát triển du lịch hay bày tỏ những bức xúc, kiến nghị của mình trong quá trình triển khai để các cơ quan truyền thông có thể truyền tải điều đó cho cả xã hội cùng biết. Cho nên đích phấn đấu của VITM là trở thành ngày hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

- Sau Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2019 lần này, ngành du lịch Việt Nam có kỳ vọng ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Thế Bình: Du lịch là ngành kinh tế cho nên việc tăng trưởng luôn luôn là mục tiêu. Ngành du lịch cũng rất kỳ vọng năm 2019 này du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng khó có ngành kinh tế nào có thể tăng trưởng ở tốc độ cao lâu dài được, dó đó vấn đề là chúng ta cố gắng giữ được mức tăng trưởng trong chừng mực có thể. Mức độ tăng trưởng này còn tùy thuộc vào sự cố gắng của những người làm du lịch.

Vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 ở Việt Nam cũng đã tạo cú hích mới giúp du lịch nước nhà tăng trưởng. Chúng ta hy vọng rằng có thể trong năm 2019 này lại có thêm những cú hích như vậy, vừa do người ngoài mang lại vừa do chính chúng ta tạo ra. Chỉ có như thế du lịch mới thực sự tăng trưởng bền vững và lượng khách đến Việt Nam đạt được như kỳ vọng 30 triệu du khách vào năm 2025.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục