Học viên Tòa án phải xứng đáng là nơi đào tạo 'Người bảo vệ công lý'

Nhân ngày 20/11, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng, biểu dương tinh thần cố gắng, vươn lên của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên cùng toàn thể học viên, sinh viên của Học viện Tòa án.
Học viên Tòa án phải xứng đáng là nơi đào tạo 'Người bảo vệ công lý' ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Xây dựng Học viện Tòa án ngày càng phát triển, phấn đấu vươn lên trở thành một cơ sở đào tạo "Nghề xét xử" hiện đại, có chất lượng và uy tín của đất nước, xứng đáng là nơi đào tạo nên những “Người bảo vệ công lý.”

Đây là những nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Lễ Míttinh kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2019) tại Học viện Tòa án, sáng 20/11.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, kiêm Giám đốc Học viện Tòa án Nguyễn Trí Tuệ.

Nhấn mạnh "tôn sư trọng đạo" là giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam, nhân ngày 20/11, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng, biểu dương tinh thần cố gắng, vươn lên của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, giảng viên cùng toàn thể các em học viên, sinh viên của Học viện Tòa án đã đoàn kết, vượt mọi khó khăn, chung sức chung lòng xây dựng Học viện ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, trước yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo định hướng của Đảng, các quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, trong đó, Tòa án nhân dân là trung tâm của nền tư pháp, đòi hỏi chất lượng đội ngũ nhân lực của các Tòa án phải không ngừng được nâng cao về mọi mặt.

Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, Thẩm phán và các chức danh Tòa án là hết sức cầp thiết, có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp nói chung và chất lượng hoạt động xét xử nói riêng, mang tính chiến lược lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các Tòa án, Tòa án nhân dân Tối cao đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Thành lập Học viện Tòa án."

Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tòa án, trực thuộc Tòa án nhân dân Tối cao, là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học Tòa án trong hệ thống giáo dục-đào tạo quốc gia.

Phó Thủ tướng đánh giá, đội ngũ giảng viên của Học viện từng bước được chuẩn hóa và hoàn thiện.

Cùng với việc hoàn chỉnh Bộ giáo trình đào tạo và bồi dưỡng cho nhiều loại đối tượng, tổ chức bộ máy cán bộ quản lý giáo dục của Học viện dần được kiện toàn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cơ sở vật chất của Học viện ngày càng được đầu tư khang trang hơn.

Trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và nơi sinh hoạt cho sinh viên dần được đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện đại, văn minh.

Phó Thủ tướng vui mừng thấy rằng lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành và triển khai thực hiện “Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân;" Chỉ thị “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trong Tòa án nhân dân."

Đặc biệt, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Học viện Tòa án đến năm 2021, tầm nhìn 2030.

[Phó Thủ tướng chúc mừng thầy, cô giáo Học viện Nông nghiệp Việt Nam]

Đây là những việc làm hiệu quả và thiết thực trong lộ trình xây dựng Học viện Tòa án trở thành cơ sở đào tạo pháp luật và tư pháp có uy tín cao trong nước, khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng Học viện Tòa án trở thành một địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý có uy tín trong cả nước, là cái nôi đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán có chất lượng cao, đáp ứng sự kỳ vọng, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng dạy-học tập-nghiên cứu khoa học với thực tiễn

Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải phấn đấu xây dựng Học viện Tòa án thực sự trở thành một cơ sở đào tạo đại học, sau đại học danh giá, có uy tín trong nước và khu vực.

Học viên Tòa án phải xứng đáng là nơi đào tạo 'Người bảo vệ công lý' ảnh 2Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp Học viện, phải là những người giỏi về lý luận, tinh thông về luật pháp, nhuần nhuyễn về kỹ năng thực hành, có kiến thức xã hội sâu rộng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, nêu cao tinh thần mà Bác Hồ đã dạy là: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư," “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân."

Học viện cần bám sát và triển khai các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa 11 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;" cùng các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của hệ thống Tòa án.

Song song với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các chức danh Tòa án, đào tạo cử nhân luật - chuyên ngành xét xử, tạo nguồn bổ sung vào đội ngũ cán bộ, hệ thống Tòa án cần phải xây dựng Học viện Tòa án trở thành một Trung tâm nghiên cứu khoa học Tòa án có chất lượng, có uy tín của đất nước và quốc tế; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, tổ chức nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn xét xử.

"Học viện cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng dạy-học tập-nghiên cứu khoa học với hoạt động xét xử, áp dụng pháp luật của các Tòa án. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện phải góp phần tác động tích cực vào kết quả hoạt động xét xử của các Tòa án trong thực tiễn."

Học viện phải coi trọng đồng thời việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kết hợp với giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện bàn lĩnh chính trị của Thẩm phán và các chức danh Tòa án; giáo dục ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Phó Thủ tướng lưu ý, Học viện phải thực sự là một môi trường giáo dục lành mạnh, mỗi cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy phải thực sự là tấm gương cho học viên, sinh viên noi theo; Xây dựng mối quan hệ thân thiện, gắn bó mật thiết, lành mạnh giữa thầy và trò, giữa nhà trường, Tòa án và xã hội.

Học viện xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với từng giai đoạn; chú trọng tuyển chọn phương, các đối tác trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo, về công tác bồi dưỡng, đào tạo, Học viện Tòa án đã tổ chức đào tạo 5 khóa (từ khóa 2 đến khóa 6) với 37 lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử với 2.034 học viên.

Học viện tổ chức đào tạo 21 khóa đào tạo Thư ký Tòa án với tổng số 2.883 học viên, một khóa đào tạo Thẩm tra viên Tòa án với 106 học viên, 2 khóa đào tạo Thư ký viên chính, 2 khóa đào tạo Thẩm tra viên chính.

Năm 2018, Học viên đã tổ chức đào tạo trực tuyến Lớp nghiệp vụ Thư ký Tòa án cho hơn 1100 học viên tại 109 điểm cầu trong toàn quốc.

Học viên Tòa án phải xứng đáng là nơi đào tạo 'Người bảo vệ công lý' ảnh 3Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng hoa chúc mừng thầy và trò Học viện Tòa án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Học viện Tòa án đã tổ chức được 21 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Thẩm phán các cấp với tổng số 4.168 lượt học viên.

Hàng năm, Học viện Tòa án còn hỗ trợ giảng viên, báo cáo viên cho Tòa án nhân dân các địa phương để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và giải đáp các vướng mắc cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và Hội thẩm nhân dân các cấp trong công tác xét xử và giải quyết án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục