Tạp chí Times Higher Education (THE) của Anh ngày 30/9 đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2015-2016, trong đó vị trí số 1 vẫn thuộc về Học viện Công nghệ California.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp trường đại học danh tiếng của Mỹ này được tôn vinh là trường đại học tốt nhất và uy tín nhất thế giới.
Tương tự như mọi năm, các trường đại học của Mỹ và Anh tiếp tục thống trị tốp 10 trường hàng đầu.
Ngoài Học viện Công nghệ California, có 5 trường đại học khác của Mỹ nằm trong danh sách tốp 10 là Đại học Standford (đứng thứ 3), Viện Công nghệ Massachusetts (thứ 5), Đại học Havard (thứ 6 - lần đầu tiên ra khỏi tốp 4 trong lịch sử 12 năm qua của bảng xếp hạng), Đại học Priceton (thứ 7) và Đại học Chicago (thứ 10).
Trong khi đó, Anh có ba trường nằm trong 10 thứ hạng đầu là Đại học Oxford (thứ 2), Đại học Cambridge (thứ tư) và trường Imperial College London (thứ 8).
Một điểm nổi bật là lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, một trường đại học ngoài Mỹ và Anh là Đại học ETH Zurich của Thụy Sĩ lọt vào tốp 10. Nổi danh trong việc đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật và quản lý, trường ETH Zurich đã vươn lên vị trí thứ 9 chủ yếu nhờ các khoản đầu tư lớn cho nghiên cứu.
Trong bảng xếp hạng của THE, thứ hạng của ba trường đại học hàng đầu của Canada ít thay đổi, khi Đại học Toronto thăng được 1 hạng lên 19, so với thứ 20 trong bảng xếp hạng năm 2014. Trong khi thứ hạng của Đại học British Columbia và McGill lại lần lượt tụt xuống thứ 34 và 38.
Mặc dù vẫn nằm trong danh sách tốp 100, nhưng giới chuyên gia nhận đinh các trường đại học Canada đang đối mặt với sự cạnh tranh tăng lên giữa các trường đại học trên thế giới.
Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn nhận định của ông John Gill thuộc THE cho biết có nhiều ý kiến quan ngại trong những năm gần đây về việc tài trợ cho nghiên cứu cơ bản tại Canada, và nếu Canada không chịu đầu tư cho khoa học, xếp hạng của các trường đại học của nước này có thể bị sụt giảm mạnh.
Theo ông Gill, để có thể cải thiện danh tiếng của trong ngành giáo dục đại học, Canada có thể tham khảo mô hình Sáng kiến xuất sắc của Đức, theo đó tập trung các quỹ nghiên cứu vào một nhóm các trường đại học hàng đầu.
Tuy nhiên, mô hình này lại có những tác động tiêu cực khi có nhiều trường đại học không nhận được kinh phí hỗ trợ nghiên cứu từ chính phủ. Trong bảng xếp hạng năm nay, Đức có thêm 8 trường đại học lọt vào danh sách 200 trường hàng đầu thế giới.
Một điểm mới trong xếp hạng lần này, THE còn xét thêm các nghiên cứu của các trường không sử dụng tiếng Anh và các trường đại học của Malaysia, Indonesia, Ghana và Nigeria. Do vậy, số trường được xếp hạng đã tăng từ 400 đến 800 trường.
Bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới của THE dựa trên một số tiêu chí như số lượng, tác động, nguồn thu và danh tiếng của các hoạt động nghiên cứu, phương pháp giảng dạy.
Bên canh đó, THE cũng đánh giá môi trường giảng dạy-học, đa dạng quốc tế (tỷ lệ giáo viên và sinh viên nước ngoài so với trong nước, hay mức độ ảnh hưởng (thường trích dẫn trên các bài báo) của các trường.
Những tiêu chuẩn này được giữ nguyên hàng năm và nhiều sinh viên đã tham khảo bảng xếp hạng này để lựa chọn trường cho mình./.