Học viên cai nghiện bỏ trốn khỏi trung tâm là do tâm lý sợ ra tòa?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc học viên cai nghiện trốn trại là do việc tuyên truyền giải thích chưa đến nơi đến chốn nên các em lo lắng và đặc biệt là sợ ra toà.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vào khoảng 23 giờ ngày 23/10, gần 600 học viên của Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc đã khống chế, vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ trại, sau đó thoát ra ngoài, tràn lên Quốc lộ 1.

Để tìm hiểu sự việc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bên lề Quốc hội sáng ngày 24/10.

- Xin Bộ trưởng cho biết về tình hình các học viên cai nghiện ma túy trốn trại tại Đồng Nai?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lực lượng cảnh sát đã tổ chức vận động các học viên này quay trở lại, địa phương cũng đã báo cáo có 332 em quay trở lại, hiện còn 230 học viên nữa đang được phối hợp với chính quyền, vận động gia đình để các em này quay trở lại.

Các học viên này trước đây có sử dụng ma túy, ngáo đá… được chính quyền, công an vận động đưa các em vào trung tâm và hiện đang trong quá trình chờ để xem xét, trong số này, có một số em có gia đình ổn định, tức là có nơi cư trú.

Mục đích của các địa phương là hết sức nhân đạo, đưa các em vào điều trị, giúp cắt cơn, sau đó thực hiện các quy định pháp luật, đúng ra, sau thời gian này mới xem xét, phân loại, em nào có thuộc diện không có nơi cư trú thì thực hiện theo các quy định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Em nào có gia đình chủ yếu là vận động theo hướng cai nghiện cộng đồng. Tuy nhiên, có những cách hiểu khác nhau.

Có thể giải thích, nhân viên, cán bộ chưa quan tâm đầy đủ nên gây ra tâm lý của các em bức xúc. Việc này Bộ đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Bà Rịa Vũng Tàu… rút kinh nghiệm.

Hiện nay, chúng ta đã kiểm soát được tình hình. Ở đây, chính quyền, lực lượng an ninh tiếp tục đảm bảo an toàn; phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương các hộ gia đình tuyên truyền vận động các em quay trở lại; thực hiện quy trình theo đúng quy định của pháp luật về vận động, giáo dục tuyên truyền và xử lý các em cai nghiện theo đúng quy định.

- Nguyên nhân vụ việc này đã được xác định như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Theo quy định đối với những em nghiện có gia đình thì thông thường không có gia đình mới đưa vào.

Những em có gia đình cụ thể ở địa bàn thì chủ yếu cai nghiện ở cộng đồng, nhưng số này nhiều em nghiện, ngáo đá nếu để ở cộng đồng thì rất phức tạp. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã vận động tìm cách đưa các em vào cơ sở này.

Nhưng khi vào trại, các cán bộ tuyên truyền giải thích chưa rõ ràng khiến các em nảy sinh tâm lý mình phải ra tòa, rồi phải chịu bắt buộc cai nghiện từ 12 đến 24 tháng. Sau đó lại phải tiếp tục giai đoạn sau cai. Vì vậy các em nghĩ mình đã ra tòa sẽ là có tội nên tâm lý chung là rất sợ.

- Liệu có người đứng ra cầm đầu không thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tâm lý chung như Bà Rịa Vũng Tàu là do bức xúc dẫn đến hành động bột phát của các em, không có chuyện cầm đầu.

- Có ý kiến cho rằng, có nguyên nhân do quá tải của các trung tâm?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quá tải cũng có, nhưng bảo vì vật chất khó khăn mà các em ra khỏi cơ sở cai nghiện thì không có.

Thực ra cơ sở này nhiều người đã kiểm tra, xem xét, nhắc nhở, uốn nắn là nên phân loại khu vực ra và tạo điều kiện cho những em có gia đình được cai nghiện ở cơ sở cộng đồng.

Nhưng cái chính là do sốt ruột về tình hình nên các em bỏ và việc tuyên truyền giải thích cho các em chưa đến nơi đến chốn nên các em lo lắng và đặc biệt tâm lý chung của các em là sợ ra toà.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục