Chiếc đèn kéo quân ở làng Đàn Viên có hình sáu cạnh vì dân gian lấy họ Lục của nhân vật Lục Thức để tưởng nhớ về ông và tượng trưng cho đạo hiếu làm con phải thờ.
Tối đến, những chiếc đèn kéo quân tạo nên ánh sáng bắt mắt lại được thắp lên trên sân nhà ông Nguyễn Văn Quyền. (Ảnh: Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam) Trước vô vàn đồ chơi hiện đại, những cây đèn kéo quân tưởng như đã vắng bóng thì ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn còn ông Nguyễn Văn Quyền (77 tuổi), một trong những người hiếm hoi còn nhớ các bí quyết để làm nên một chiếc đèn kéo quân truyền thống vào mỗi dịp Trung thu về.
Tả Thanh Oai xưa vốn là vùng đất ven kinh kỳ, nơi lưu truyền câu chuyện dân gian: Xưa có một chàng trai nghèo tên là Lục Thức thường xuyên đi làm ăn xa nên mới chế ra cây đèn kéo quân để ở nhà cho mẹ vui.
Từ khi có cây đèn kéo quân, trẻ em trong vùng đến chơi với mẹ Lục Thức rất đông.
Một ngày vua đi kinh lý qua vùng này thấy trẻ con hào hứng với cây đèn kéo quân và được nghe câu chuyện mới ban lệnh rằng: Đêm rằm tháng Tám (âm lịch) sẽ là ngày Tết của trẻ con để tưởng nhớ tấm lòng hiếu thảo của Lục Thức.
Cũng từ đó, trẻ em vùng ven kinh kỳ Thăng Long xưa mới có bài đồng dao rằng: “Khen ai khéo xếp í a cây đèn kéo quân/Voi giấy ngựa giấy chạy vòng quanh/Nào xe, nào pháo, nào quân tướng/ Í a tít mù lòng vòng quanh."
Theo ông Quyền cho biết, chiếc đèn kéo quân ở làng Đàn Viên có hình sáu cạnh vì dân gian lấy họ Lục của nhân vật Lục Thức để tưởng nhớ về ông.
Ngoài ra, người dân ở vùng Tả Thanh Oai còn có ý niệm rằng, lục giác (6 cạnh) tượng trưng cho đạo hiếu con cái phải thờ, phải kính trọng sáu người trong cuộc đời là bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (hoặc chồng) và bố mẹ nuôi.
Từ câu chuyện dân gian này, việc làm đèn kéo quân được lưu truyền như một món quà cha mẹ làm cho con cái mỗi khi Tết Trung thu về.
Ông Quyền làm đèn kéo quân không phải vì lợi nhuận mà mong muốn lưu giữ lại một truyền thống tốt đẹp về đạo hiếu mà cha ông đã truyền dạy.
Tối đến, sân nhà ông Quyền lại vui như ngày hội đêm rằm bởi lũ trẻ trong làng Đàn Viên lại kéo đến chơi đèn.
Những chiếc đèn kéo quân không chỉ mang đến một thứ ánh sáng chuyển động bắt mắt mà khi chơi, trẻ con còn được học một bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo./.
Trẻ em thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) trông trăng phá cỗ dưới những chiếc đèn Trung thu truyền thống. (Ảnh: Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam) Ông Quyền cho biết những chiếc đèn kéo quân ở làng Đàn Viên có hình sáu cạnh vì người dân ở vùng Tả Thanh Oai còn có ý niệm rằng lục giác (6 cạnh) tượng trưng cho đạo hiếu con cái phải thờ phải kính trọng 6 người trong cuộc đời là bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (hoặc chồng) và bố mẹ nuôi. (Ảnh: Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam) Công đoạn dán giấy cho đèn kéo quân. (Ảnh Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam) Để làm quân chạy, ông Quyền thường sử dụng hình ảnh tranh Đông Hồ và những sinh hoạt thường ngày ở làng quê Bắc Bộ. (Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam) Trang trí đường viền quanh các cạnh của chiếc đèn kéo quân. (Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam) Ông Quyền dạy trẻ nhỏ làng Đàn Viên về ý nghĩa các quân chạy trong chiếc đèn kéo quân truyền thống. (Ảnh: Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam) Đèn kéo quân quay được là nhờ có trục ở giữa gọi là trục tung. Sở dĩ đèn chuyển động được là khi ta thắp nến tạo thành dòng không khí đối lưu thổi lên trên tạo nên khí động lực và cánh quạt sẽ chuyển động. (Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam) Ông Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn cho các bạn trẻ cách làm đèn kéo quân tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội. (Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam) Những chiếc đèn trưng bày tại Bảo tàng dân tộc học gợi sự tò thích thú cho các bạn trẻ. (Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam) Trẻ em thích thú bên đèn kéo quân loại đồ chơi truyền thống gắn liền với dịp tết Trung thu. (Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam) Những chiếc đèn kéo quân không chỉ mang đến một thứ ánh sáng chuyển động bắt mắt mà khi chơi trẻ con còn được học một bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo. (Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam) (Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)