Học thuyết bạo lực của chủ nghĩa phátxít nguyên bản

Không phải là người sáng tạo cái gọi là chủ nghĩa độc tài bạo lực song Benito Mussolini đã đặt tên và tạo ra một phiên bản kinh hoàng cho nó.
Học thuyết bạo lực của chủ nghĩa phátxít nguyên bản ảnh 1Benito Mussolini (trái) và Hitler. (Nguồn: Fox)

Theo trang mạng time.com, Benito Mussolini thành lập đảng Fasci Italiani di Combattimento, tiền thân của chính đảng phátxít sau này, vào ngày 23/3/1919 tại Milan.

Không phải là người sáng tạo cái gọi là chủ nghĩa độc tài bạo lực song Mussolini đã đặt tên và tạo ra một phiên bản kinh hoàng cho nó.

Dưới sự lãnh đạo của Mussolini, các tay súng đã tấn công, tra tấn và sát hại nhiều người dân Italy. Mussolini, người sau này trở thành nhà độc tài Italy, đã chỉ đạo các chiến dịch tàn bạo tại Ethiopia, xây dựng một liên minh với Hitler, khủng bố cộng đồng người Do Thái và nhiều cộng đồng người khác tại Italy, cùng hàng loạt tội ác đáng ghê tởm.

[Chính giới Italy chia rẽ vì dự án xây bảo tàng chủ nghĩa phátxít]

Thậm chí một thế kỷ sau, dưới thời đại mới của một nhà lãnh đạo độc tài khác, những tư tưởng của Mussolini vẫn còn tồn tại rất rõ nét. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright từng nói trên tờ Time hồi năm 2018: “Chủ nghĩa phátxít là một dịch bệnh, và nó có những dấu hiệu nhất định. Vì vậy tôi cho rằng việc cảnh báo về nó là quan trọng.”

Để hiểu rõ hơn về sự trỗi dậy và thoái trào - rồi lại bùng lên - của chủ nghĩa phátxít, phóng viên của tờ Time đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Ruth Ben-Ghiat, chuyên ngành Nghiên cứu Lịch sử và Italy tại Đại học New York, một chuyên gia về nhà độc tài phátxít đầu tiên Benito Mussolini.

Chủ nghĩa phátxít là phong trào thúc đẩy ý tưởng xây dựng một nhà nước khuôn phép nằm dưới sự kiểm soát của một nhà lãnh đạo độc tài. Cụm từ này trong tiếng Anh là “fascism,” bắt nguồn từ chữ “fascio” trong tiếng Italy nghĩa là “một bó, một đám.”

Ngày 23/3/1919, Fasci Italiani di Combattimento - một nhóm người với số lượng ngày càng gia tăng từ những phong trào nhỏ lẻ ban đầu - lần đầu tiên tụ họp tại nhà thờ Công giáo Piazza San Sepolcro ở Milan.

Học thuyết bạo lực của chủ nghĩa phátxít nguyên bản ảnh 2Chân dung trùm phátxít Đức Adolf Hitler năm 1938. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc tập hợp này, Mussolini nói rằng các thành viên của nhóm “là những người phátxít nguyện dùng mọi công cụ cần thiết để thủ tiêu mọi tư tưởng trung lập trong mọi chính đảng.”

Giáo sư Ben-Ghiat nói: “Mussolini coi dân chủ là một hệ thống thất bại. Ông ta cho rằng quyền tự do thể hiện quan điểm và tự do đảng phái chỉ là giả tạo, và chủ nghĩa phátxít sẽ sắp xếp và đưa người dân vào một trật tự dưới sự quản chế của quyền lực quốc gia. Họ cho rằng người ta được tự do khi không hề có bất kỳ ý thức nào về giai. Điều mà người ta cần chỉ là tôn thờ đất nước, đặt đất nước lên trên tất cả những thứ gọi là giai tầng.”

Hệ quả tất yếu là những ý tưởng cho rằng mọi yếu tố cản trở sự thống nhất dân tộc cần phải bị xóa sổ và bạo lực thậm chí còn được xem là có lợi cho xã hội. Mussolini và những người ủng hộ cho rằng những người không phù hợp với khuôn phép là nhân tố hủy hoại sự thống nhất đất nước và cần phải bị loại bỏ bằng bạo lực.

Giáo sư Ben-Ghiat nói: “Trong những định nghĩa về chủ nghĩa phátxít, chủng tộc là thứ không được đề cập tới... Mussolini là một người theo chủ nghĩa đế quốc, vì vậy ông ta tận dụng chủ nghĩa thực dân để “lạm dụng” và tấn công những người da màu. Lo ngại về sự thoái trào của người da trắng là nguyên nhân chính dẫn tới cách hành xử đó.”

Mussolini từng là một nhà báo, và là người sáng lập tờ Il Popolo d’Italia. Vốn là thành viên của một chính đảng xã hội, Mussolini rời khỏi đảng này khi tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.

Sau cuộc chiến, lực lượng phátxít coi phe xã hội là kẻ thù số một. Mussolini trở thành Thủ tướng Italy năm 1922 và trong vài năm sau trở thành một trong những nhà cầm quyền độc tài nhất.

Theo giáo sư Ben-Ghiat, “Benito Mussolini đưa ra khái niệm về chủ nghĩa phátxít, xây dựng đất nước phátxít độc đảng đầu tiên và tạo dựng những nền móng cũng như khuôn mẫu cho tất cả những gì liên quan về sau.” Một trong những khía cạnh quan trọng của điều này chính là sự sùng bái cá nhân xung quanh nhà lãnh đạo Italy.

Việc Mussolini thành lập tiền thân của đảng phátxít diễn ra không lâu sau cuộc Cách mạng Nga và những lo ngại của chủ nghĩa cộng sản đóng một vai trò then chốt dẫn tới sự trỗi dậy mạnh mẽ của những tư tưởng này.

Ben-Ghiat giải thích: “Con đường chính dẫn tới quyền lực của những kẻ phátxít là giết chóc và tấn công chính đảng lớn và được ủng hộ nhiều nhất: đảng Xã hội. Những kẻ khủng bố ấy tràn đến các thị trấn trên những chiếc xe tải, mặc cùng một thứ quần áo màu đen, với những con dao trên tay, chúng đã giết hại hàng nghìn người trong suốt giai đoạn từ 1919-1922. Những vụ giết chóc diễn ra sau khi Mussolini trở thành thủ tướng.”

Những địa chủ và doanh nhân ủng hộ công cuộc đàn áp chủ nghĩa xã hội và chính điều này đã giúp Mussolini vươn lên nắm quyền. Lo sợ trước ý chí của người lao động, họ đã “bỏ phiếu ủng hộ Mussolini.”

Thất bại của trục ma quỷ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đồng nghĩa với dấu chấm hết cho giai đoạn 1 của chủ nghĩa phátxít. Mussolini đã chết vào năm 1945, song những ý tưởng mà ông ta đặt tên vẫn còn tồn tại.

Giáo sư Ben-Ghiat nói: “Người ta không hiểu hết được ảnh hưởng của chủ nghĩa phátxít Italy bởi người ta quá ám ảnh bởi Đức quốc xã, song phong trào phátxít đã tồn tại ở Anh, ở Thụy Sĩ, ở Pháp, ở Tây Ban Nha và tràn tới cả Argentina... Đó là một phong trào xuyên biên giới, và đó là cách nó vẫn tồn tại sau năm 1945.”

Chủ nghĩa này vẫn còn cho tới tận ngày hôm nay. Dù người ta tránh nói về nó, ít nhất là trên lý thuyết, song sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa phátxít đã quay trở lại từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 khi nhiều lãnh đạo cứng rắn lên nắm quyền.

Giáo sư Ben-Ghiat nói: “Chúng ta đang sống ở thời đại mà chủ nghĩa phátxít nhen nhóm trỗi dậy ở cả Italy và những nơi khác. Thực tế ấy là điều khiến người ta phải lo ngại. Chủ nghĩa phátxít đang hồi sinh trong thế hệ mới. Mussolini và Hitler lại một lần nữa được lý tưởng hóa.”

Theo giáo sư Ben-Ghiat, việc tìm hiểu xem chủ nghĩa phátxít đã thay đổi như thế nào trong suốt 100 năm tồn tại là sai lầm, bởi điều đáng nói và đáng lo ngại ở đây lại chính là “những thứ không thay đổi, là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự tôn sùng lãnh đạo, ý tưởng cho rằng lãnh đạo là đấng cứu thế, lo ngại về sự thoái trào của người da trắng, bài cánh tả, và rất nhiều điều khác.” Bà nhấn mạnh: “Tất cả những thứ đó đều không hề thay đổi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục