Học tập tại Singapore - ưu điểm của hệ thống giáo dục "phân nhánh"

Tại Singapore, khi bước chân vào lớp 1, trẻ có thể vào bất kỳ trường nào, lớp nào không phân biệt, song hết lớp 1, học sinh bắt đầu được chia hệ.
Học tập tại Singapore - ưu điểm của hệ thống giáo dục "phân nhánh" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theindependent.sg)

Tuy chỉ là một quốc đảo nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á với diện tích vỏn vẹn hơn 650km2 và dân số khoảng 5 triệu người, song Singapore lại được biết tới là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến vào loại bậc nhất trên thế giới.

Hiện tại, một lượng không nhỏ học sinh, sinh viên quốc tế đang theo học tại Singapore, trong đó có khoảng 8.000 học sinh, sinh viên Việt Nam.

Vậy đâu là những điểm nhấn tạo nên sức hút đặc biệt làm nên thương hiệu giáo dục "made in Singapore"?

Singapore có một nền giáo dục tiên tiến được quốc tế công nhận bởi chất lượng đào tạo tốt, chính sách giáo dục linh hoạt, đội ngũ lãnh đạo-giáo viên tài năng, tâm huyết và cơ sở vật chất được xếp vào loại tốt nhất trên thế giới.

[Mega Story] Người Việt trẻ gieo mầm 4.0 trên đất Singapore

Quan điểm của ngành giáo dục Singapore là chú trọng vào việc phát hiện ra những tài năng, đam mê của học sinh, sinh viên và phát triển đam mê đó, nuôi dưỡng khát vọng sống cho tương lai của đất nước.

Hệ thống giáo dục đa dạng và linh hoạt cung cấp cho học sinh nhiều cách học khác nhau và có nhiều lựa chọn thích hợp để theo đuổi những đam mê, ước mơ nghề nghiệp của mình.

Học sinh, sinh viên của Đảo quốc sư tử này có những khát vọng cao xa và thường thu được những kết quả rất tốt nhờ vào ý chí và năng lực của bản thân được vun đắp ngày từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với thâm niên 13 năm kinh nghiệm dạy luyện thi vào hệ thống trường công lập Singapore cho học sinh Việt Nam, cô giáo Trần Thị Quỳnh Như, Công ty du học VietSing24 (Singapore), cho biết điểm hay nhất của giáo dục Singapore đó là thực hiện phân hệ ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Khi bước chân vào lớp 1, trẻ có thể vào bất kỳ trường nào, lớp nào không phân biệt. Song hết lớp 1, học sinh bắt đầu được chia hệ.

Theo cô Như, khác với Việt Nam là chia theo lớp, thì Singapore thực hiện phân lớp theo học lực của học sinh của cả khối, mỗi lớp khoảng 30 học sinh.

Ví dụ, học sinh từ 1-30 sẽ vào lớp A, từ 31-60 vào lớp B... và cứ thế xếp dần xuống cho đến hết số lượng học sinh của cả khối.

Giáo trình học cũng có sự bổ sung cho phù hợp với năng lực của học sinh. Vì vậy, mặc dù chung một sách giáo khoa, song lớp A hay lớp B sẽ được bổ sung thêm sách bài tập khác với các lớp còn lại.

Sau khoảng thời gian từ 1-2 năm (tùy trường), nhà trường sẽ lại thực hiện việc xếp hạng như vậy để phân loại học sinh. Vì thế có học sinh đang ở lớp A có thể sang lớp C hoặc ngược lại, học sinh ở các lớp C, D có thể lên lớp A...

Sự phân hệ này còn ở cả hai môn cơ bản là Toán và tiếng Anh, từ lớp 3 thì thêm môn Khoa học (bao gồm tổng hợp các môn tự nhiên) và phân chia theo ngôn ngữ mẹ đẻ nên rất công bằng cho trẻ.

Sự phân chia cứ thế cho đến lớp 5 thì dừng lại bởi lớp 5 và lớp 6 ở Singapore là hai lớp cuối cấp 1. Hết lớp 6 sẽ có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở thì dựa trên điểm số lại tiếp tục phân hạng học sinh vào cấp 2, chia thành 3 hệ.

Chính sự phân hạng như vậy mà học sinh có quyền lựa chọn vào từng trường và từng lớp phù hợp với năng lực của mình: giỏi cùng với giỏi, kém cùng với kém...

Ở cấp 2 thì sự phân hạng lại tiếp tục diễn ra một lần nữa dựa trên các kết quả học tập của 2 năm đầu để lên hạng trong 2 năm tiếp theo.

Theo cô giáo Quỳnh Như, chính sự liên tục phân hạng như vậy sẽ khiến cho học trò giỏi được chú trọng, học trò đuối cũng được nâng đỡ và có động lực phấn đấu.

Cô Như cho biết thêm điểm đặc biệt là việc các giáo viên giỏi đều phụ trách giảng dạy ở những lớp kém.

Chính vì vậy, chất lượng học sinh được nâng lên rất nhanh, nhất là với những học sinh có ý thức học. Đây được coi là ưu điểm của hệ thống giáo dục Singapore.

Tuy nhiên, chính sự 'sàng lọc' này cũng tạo ra một số lượng phụ huynh luôn mong muốn con mình ở tốp đầu, nhưng số này không nhiều.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hệ thống giáo dục của Singapore với các nước khác, theo cô giáo Như, đó là họ chú trọng đến các học sinh kém.

Những học sinh nào mà khả năng học hạn chế thì sẽ được giáo viên chú trọng nhiều hơn.

Bên cạnh việc phân nhánh, giáo dục Singapore đã khẳng định được tên tuổi của mình một phần không nhỏ nhờ vào hai yếu tố là thực hành và luôn đổi mới sáng tạo.

Các yếu tố này sẽ được chúng tôi tiếp tục giới thiệu lần lượt trong những bài viết tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục