Học tập online không thể thay thế cho hình thức học trực tiếp

Đại dịch COVID-19 khiến học sinh-sinh viên ở hầu hết các nước trên thế giới phải học trực tuyến, tuy nhiên hình thức học này không thể thay thế hình thức học trực tiếp, nhất là các ngành nghệ thuật.

Các lớp học trực tuyến (online) đã trở nên phổ biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19, công nghệ cũng mang lại nhiều lợi ích đối với giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, nhưng hình thức học tập này không thể thay thế cho hình thức học trực tiếp.

Đây là khẳng định của giới học giả Nhật Bản và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tại một hội thảo trực tuyến về tương lai của ngành giáo dục do Liên đoàn Thanh niên Awaji của Nhật Bản tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Oussouby Sacko, Hiệu trưởng Đại học Kyoto Seika, nhấn mạnh: “Việc học không chỉ diễn ra trong lớp học mà còn diễn ra bên ngoài lớp học, trong khuôn viên trường, nơi sinh viên có thể tương tác với nhau và với các giáo viên.”

Ông Sacko cho biết các giáo sư tại trường Đại học Kyoto Seika ở miền Tây Nhật Bản gặp khó khăn khi giảng dạy, nhất là các khóa học online liên quan đến nghệ thuật, trong khi sinh viên cũng không còn hào hứng tham gia các lớp học.

Để tạo động lực cho sinh viên, ông Sacko đã giới thiệu một hệ thống kết hợp giữa các buổi tương tác trực tiếp giữa giáo viên và sinh viên mỗi tuần một lần và các lớp học trực tuyến vào những ngày khác.

[UNICEF lo ngại tình trạng trẻ em thất học tại Mỹ Latinh]

Thừa nhận những thách thức mà giáo viên phải đối mặt khi tổ chức các lớp học trực tuyến, ông cho rằng cần phải xây dựng một chương trình cho giảng viên để đào tạo họ quen với phong cách giảng dạy mới.

Một cuộc khảo sát trực tuyến tiến hành vào tháng Bảy năm nay đã chỉ ra rằng 44,7% sinh viên thấy cuộc sống tẻ nhạt giữa đại dịch, và một nguyên nhân dẫn tới tâm lý này là do những hạn chế của việc học trực tuyến.

Phó Giáo sư Baniel Cheung tại Khoa Kinh tế và doanh nghiệp của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhất trí với quan điểm của Hiệu trưởng Sacko về lợi ích của việc học trực tiếp, ngay cả khi ông thừa nhận lợi ích chia sẻ thông tin và kiến thức nhanh chóng thông qua các lớp học trực tuyến.

Phó Giáo sư Cheung nhấn mạnh: “Rất khó để giảng dạy khi không nhìn thấy gương mặt và ngôn ngữ hình thể của sinh viên...” Ông cũng cho biết thêm rằng trong khi việc giảng dạy có thể có những hình thức "tích hợp" thời kỳ hậu COVID-19, thì "kỹ thuật số không thể thay thế con người."

Về phần mình, Hiệu trưởng Sacko cho rằng trong đại dịch, sinh viên có thể dễ dàng giao tiếp với nhau thông qua ứng dụng nhắn tin Line và l những sinh viên rụt rè đang tích cực tham gia các lớp học hơn trước.

Trong khi đó, ông Cheung cho hay đang sử dụng nền tảng nhắn tin WhatsApp để liên lạc với sinh viên, tạo ra các nhóm khác nhau cho các mục đích khác nhau. Trong tương lai, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ đối với sự hợp tác giữa các trường đại học.

Ông nhận định hợp tác trực tuyến giữa các trường đại học đã trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch và kêu gọi tiếp tục những nỗ lực như vậy, đặc biệt là giữa các trường đại học ở châu Á.

Ông đánh giá: "Sinh viên đang ngày càng cạnh tranh hơn trong thời kỳ đại dịch và muốn học hỏi nhiều kỹ năng để sinh tồn trong các công ty, vì vậy cần tổ chức các hoạt động giao lưu trong châu Á."

Đại diện cho tiếng nói của sinh viên, Fuka Chida, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Chiba, nhấn mạnh đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của việc học tập tại trường. Theo Chida, đại học không chỉ để học, đây là nơi để sinh viên hiểu hơn về chính bản thân mình thông qua tương tác với người khác và phát triển hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục