Học sinh tới trường: Tận dụng học trực tiếp để đắp lỗ hổng trực tuyến
Nhiều giáo viên cho hay khi học sinh được đến trường, các thầy cô sẽ tận dụng thời gian học trực tiếp để bù đắp cho các con những kiến thức hổng trong thời gian học trực tuyến.
Phạm Mai
Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu đến trường sau gần một năm tạm dừng vì dịch bệnh. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)
Sáng nay, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của Hà Nội đã được đến trường sau gần một năm phải học trực tuyến vì dịch COVID-19. Háo hức và vui mừng là tâm lý chung của các học sinh, phụ huynh, nhưng cũng không ít em vẫn còn ngái ngủ khi ngồi sau xe máy vì phải dậy sớm hơn thường lệ.
Hồ hởi đến trường
Đã học gần hết lớp 1 nhưng hôm nay là lần đầu tiên Phạm Tuấn Anh, con trai chị Nguyễn Quỳnh Trang (quận Hoàng Mai) mới được tới trường. “Con rất vui vì sẽ được học ở trường mới, được gặp cô giáo và các bạn. Con chưa được đến trường lần nào. Học trực tuyến mãi con rất buồn,” Tuấn Anh chia sẻ. Chị Trang cho hay, từ tối qua Tuấn Anh đã chuẩn bị sẵn quần áo, sách vở, sáng nay vẫn dậy sớm để ăn sáng và đi học. Nhìn con hào hứng bước vào sân trường, chị cũng thấy vui theo.
Háo hức được tới trường, tối qua, hai chị em Phạm Nam Khánh (học sinh lớp 2 A1 Trường Tiểu học Hoàng Mai) và Phạm Phương Chi (học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai) trằn trọc không ngủ. “Các con đều rất mong đến lớp để lại được gặp thầy cô giáo và các bạn, được vui chơi ở sân trường - đặc biệt đây là hai ngôi trường mới đi vào hoạt động với cơ sở vật chất hiện đại. Sáng nay, cả nhà dậy sớm, hai vợ chồng cùng đưa con đi học. Hạnh phúc giản đơn tưởng như việc thường ngày mà phải chờ đợi một năm mới thực hiện được,” chị Nguyễn Điểm, phụ huynh của hai con chia sẻ.
Khác với các học sinh ở khu vực các quận nội thành, ở các huyện ngoại thành, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đã được đi học một thời gian ngắn đầu tháng Hai, nhưng niềm vui trở lại trường không vì thế mà giảm bớt. “Con mới đi học được hai buổi thì nhiễm COVID-19 và phải nghỉ, sau đó trường cũng chuyển sang học online. Vì thế, hôm nay được đi học trở lại, các con tôi rất vui mừng. Đứa nào cũng muốn đến lớp sớm để còn gặp gỡ và nói chuyện với các bạn. Tôi cũng rất vui vì có thể yên tâm đi làm mà không phải lo lắng khi hai con ở nhà tự trông nhau,” chị Nguyễn Thanh Nga, phụ huynh Trường Tiểu học Phạm Tu (huyện Thanh Trì) nói.
Giúp học sinh quen nền nếp mới
Không chỉ học sinh, phụ huynh, trường học mở cửa trở lại còn là niềm vui lớn của các thầy cô giáo và ban giám hiệu các nhà trường. “Thầy cô háo hức ngay từ khi biết tin sẽ học trực tuyến trở lại. Nhà trường lập tức lên kế hoạch dọn dẹp, sắp xếp thời khóa biểu. Dù gấp gáp và nhiều việc nhưng chúng tôi chỉ thấy vui, không thấy mệt,” cô Lê Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Trong tuần đầu, thầy cô sẽ giúp học sinh làm quen với nền nếp khi học trực tiếp. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)
Cũng theo cô Hằng, trong tuần đầu tiên học sinh đi học trở lại, bên cạnh việc dạy học, các thầy cô cũng sẽ chú trọng việc giúp các em làm quen với nền nếp học trực tiếp. “Học online quá lâu, học sinh cũng quen với cách học này. Vì thế, khi đi học trực tiếp trở lại các em sẽ khó tránh khỏi những khó khăn ban đầu như đi học muộn vì phải dậy sớm hơn thường ngày, quên đồ dùng học tập, ngồi học thiếu tập trung… Tuy nhiên, thầy cô sẽ không quá khắt khe mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, giúp các con khắc phục nhưng không tạo áp lực, để học sinh thực sự cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc,” cô Hằng chia sẻ.
Tạo không khí vui vẻ và không áp lực cũng là định hướng của Trường Tiểu học Đông Ngạc A (quận Bắc Từ Liêm), đặc biệt là với học sinh lớp 1 khi các con lần đầu tiên tới trường. Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay các giáo viên chủ nhiệm sẽ dẫn các em lớp 1 đến từng khu vực trong trường để giới thiệu với học sinh, từ khu bếp ăn, khu vệ sinh, thư viện…
Các trường cũng lên kế hoạch để có thể triển khai tốt các hoạt động giáo dục trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại của năm học này. “Các thầy cô giáo sẽ tận dụng thời gian học trực tiếp để bù đắp cho học sinh những kiến thức hổng trong thời gian học trực tuyến. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành ôn tập và kiểm tra cuối năm trực tiếp để đánh giá chính xác hơn năng lực của học sinh,” cô Trần Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Liệt cho hay./.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các đơn vị trực thuộc sẵn sàng tâm thế, tâm lý, nhân lực, cơ sở vật chất thích hợp để có thể cho học sinh mầm non đi học trực tiếp.
Phụ huynh và trẻ nhỏ đã sẵn sàng trở lại không gian học truyền thống sau thời gian dài phải nghỉ học chống dịch, Hà Nội là địa phương cho học sinh tiểu học nghỉ với quy mô lớn và lâu nhất cả nước.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh giáo dục là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước và Anh là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt trong hợp tác giáo dục đại học.