Gói bánh chưng, đi chợ Tết, làm các món ăn truyền thống, chơi các trò chơi dân gian… là những hoạt động được các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm giáo dục thế hệ trẻ tìm về phong tục Tết cổ truyền dân tộc.
Những ngày cuối cùng của năm cũ, trường mầm non Hoa Sen, thành phố Vinh tổ chức ngày hội “Vui hội mùa Xuân.”
Một không gian ấm áp quây quần dành cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đậu xanh, gạo nếp, thịt lợn, lá dong… là những nguyên liệu có lẽ lần đầu tiên nhiều em nhỏ biết, thế nên các em tỏ ra rất háo hức, chăm chú, say sưa nhìn các cụ ông gói bánh chưng xanh.
Với ông Bùi Quang Thế ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh được tham gia ngày hội “Vui hội ngày Xuân” của trường là niềm vui được tìm về với ký ức xưa.
“Được các cô giáo của trường mầm non Hoa Sen mời đến gói bánh chưng cho các cháu, tôi như được sống lại thời tuổi trẻ, sống lại đúng không khí đầm ấm trong gia đình.
Khi ngồi gói bánh chưng, trẻ con quây quần xung quanh, hỏi các bước gói như thế nào, mùi vị ra sao khiến cho tôi rất vui,” ông Bùi Quang Thế ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh cho biết.
Đối với các em nhỏ được khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống, tham gia làm bánh trưng, chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn truyền thống và thỏa sức sáng tạo với các trò chơi phù hợp với lứa tuổi là một niềm vui và thích thú.
“Hôm nay, em rất vui, được ăn nhiều món ngon và được thỏa thích làm ra các đồ chơi,” bé Tú Anh ở trường mầm non Hoa Sen háo hức nói.
“Được tham gia ngày hội “Vui hội mùa Xuân,” các cháu được hình dung về các món ăn truyền thống trong những ngày Tết, tự bản thân các cháu lại được giáo dục truyền thống một cách rất tự nhiên, không phải bằng những lời nói sáo rỗng, giúp các cháu ý thức được không khí đón Tết như thế nào.
Chúng tôi mong muốn nhà trường tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tương tự như thế này,” anh Tiến Lâm, phụ huynh cho biết.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Sen, ngày hội “Vui hội ngày Xuân” ở trường mầm non Hoa Sen với sự tham gia nhiệt tình của cô và trẻ cũng như các bậc phụ huynh.
Đây là hoạt động giáo dục nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và chuyên đề “Phát triển vận động” giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh, hiểu hơn nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết.
Để được một sân chơi sôi động bổ ích và đọng lại ký ức những hình ảnh đẹp cho trẻ, giáo viên trong trường đã xây dựng kịch bản công phu và cùng các trẻ tập duyệt văn nghệ, dựng các gian hàng đa dạng và phong phú.
Tham dự ngày hội, trẻ không những được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, tham gia các trò chơi dân gian, hội chợ, mua hàng, thưởng thức những món ăn mình thích mà còn được tham gia phần chơi “Cô, trẻ và phụ huynh thi hát dân ca.”
Ngoài trường mầm non Hoa Sen, hoạt động ý nghĩa này còn được diễn ra ở rất nhiều trường học trên địa bàn thành phố Vinh.
Tại trường Thực hành Đại học Vinh, nhà trường phối hợp với hội cha mẹ học sinh tổ chức cho trẻ những phong tục tập quán tốt đẹp trong ngày Tết: chúc Tết bố mẹ, con cái, người thân, thầy cô giáo; tổ chức sum họp, mừng thọ người cao tuổi; tổ chức các trò chơi dân gian; thi nấu món ăn truyền thống... qua đó, giáo dục ở trẻ tình yêu thiên nhiên và cuộc sống.
“Mỗi dân tộc có những tập quán, cách đón Tết khác nhau. Đây là lần đầu tiên tôi tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Trong ngày hội, mọi người mặc quần áo dài thật đẹp. Tôi đã thử làm gói bánh chưng nhưng chưa được đẹp lắm, tuy nhiên tôi rất thích công việc này. Bên cạnh đó, tôi cũng được thưởng thức những món ăn truyền thống của các bạn,” chị Lisa, giáo viên nước ngoài cho biết.
Lũ trẻ say sưa bên gian hàng tò he, tại đây có hàng chục con thú được làm từ thứ bột gạo màu xanh, đỏ, tím, vàng hay bên ông đồ già với bức tranh gà may mắn, một chữ gửi gắm mong ước cho cả năm.
“Hôm nay, con đã xin ông đồ chữ Ngoan, chữ Khỏe mạnh, mong ước của con là chăm ngoan, mạnh khỏe và học giỏi, nghe lời bố mẹ,” bé Hoàng Anh cho biết.
Không chỉ có Hoàng Anh, mà hàng trăm điều ước được các bé viết lên và treo trên những cây đào, cây quất, cây mai đặt trong sân trường.
“Cháu mong ước có chú chó con thông minh, con mèo mun ngoan ngoãn; con ước đạt giải Toán và Tiếng Anh qua mạng; con ước đạt học sinh tiêu biểu trong học kỳ II…,” là những điều ước của các bé trong một năm mới này.
“Cuộc sống hiện đại đã khiến cho thời gian dành cho những tập tục truyền thống cũng dần nhạt phai. Thế nên, khi thiếu vắng điều đó, người ta có xu hướng tìm về với những giá trị nguồn cội.
Một trong những giá trị đó là Tết cổ truyền - một phong tục vẫn có giá trị thiêng liêng gắn kết mà ai cũng muốn được lưu giữ.
Năm nay, ngành giáo dục chủ trương khuyến khích các nhà trường tổ chức cho trẻ đón Tết năm mới với tâm trạng vui mừng.
Các hoạt động phải hướng giáo dục thế hệ trẻ tìm về những giá trị cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là ngày Tết Nguyên đán để các em hiểu và gìn giữ truyền thống tốt đẹp này,” ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định./.