Không cầu, không phà, không bè, học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở bản Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (Lai Châu) phải băng qua con suối Pá Đành chảy cuồn cuộn để tới trường kịp dự khai giảng năm học mới.
Vượt gần 60km từ thị trấn Tân Uyên, trên tuyến đường gập ghềnh đất đá do mưa lũ tàn phá, chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Nậm Sỏ.
Các thầy cô giáo đang tất bật chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9.
Vượt suối dữ để tới trường
Cô Trần Thị Hồng Thoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ, cho biết 100% học sinh của trường đều là con em dân tộc thiểu số, nhiều bản cách xa trung tâm xã như Nà Ui phải vượt qua suối lớn mới đến được bản. Chiều thứ 6, sau khi học xong, học sinh ở bản Nà Ui trở về nhà và cuối tuần lại về trường để tiếp tục tuần học mới.
Bản Nà Ui có 74 học sinh, nhưng chỉ có 24 em lớp 1, lớp 2 được học tại điểm trường ở bản, còn lại 50 em từ lớp 3 đến lớp 5 phải về học tại điểm trường trung tâm.
Do đang trong đỉnh điểm của mùa mưa lũ nên nước suối Pá Đành dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết, việc đi lại của học sinh phải có sự giúp sức của phụ huynh và giáo viên.
Để vượt dòng thác dữ về nhà cũng như đến trường, phụ huynh và giáo viên phải cho quần áo, sách vở vào túi ni lông buộc chặt.
Sau đó, mỗi phụ huynh và giáo viên lần lượt cho từng em lên vai rồi liều mình bơi ra giữa dòng suối chảy xiết sang bờ bên kia. Mỗi lần chỉ 1 người đưa 1 em qua suối và phụ huynh phải chọn cách đi ngược lên phía thượng nguồn rồi thả mình lựa theo dòng suối bơi vào bờ.
Nhiều phụ huynh, giáo viên kiệt sức do phải cõng học sinh và bị nước cuốn đi khá xa so với địa điểm an toàn.
Hai chị em Lò Thị Tiếng (lớp 5A1) và Lò Văn Khoa (lớp 4A3) ở bản Nà Ui, mỗi tuần đều phải cùng bố vượt suối để đến trường cũng như về nhà.
[Trước thềm năm học mới: Bộn bề khó khăn ở vùng lũ Tà Hộc]
Em Tiếng tâm sự: “Bản em ở cách trường học hơn 10 cây số và phải vượt qua suối lớn để đến trường. Mùa khô, em thường xuyên phải đi bộ đến trường và rất sợ mỗi khi ngồi trên bè để đi qua suối. Mùa mưa em và các bạn học sinh trong bản phải cùng bố, thầy giáo bơi qua suối, rất nguy hiểm. Nhiều lần em đã bị uống nước vì nước suối chảy xiết khó bơi vào bờ.”
Với anh Lù Văn Trò ở bản Nà Ui, mỗi khi mùa mưa đến là anh phải vất vả vừa bơi vừa cõng 4 đứa con đang học Tiểu học và Trung học cơ sở tại trung tâm xã, để vượt suối.
Anh Trò cho biết vào các ngày thứ Sáu, Chủ nhật anh lại đưa đón con về. Mỗi lần vượt suối rất nguy hiểm do nước dâng cao, lại chảy xiết, nhưng anh vẫn phải bơi và đưa từng đứa qua. Nhiều lúc nước to, nhớ con anh cũng đành chịu để con ở lại trường vì qua suối lúc đó rất nguy hiểm.
Hiện nay, có doanh nghiệp hảo tâm đã đầu tư được 2 trụ cầu sắt để bắc cầu treo qua suối, nhưng vài tháng nay công trình không thi công nữa.
Bà con dân bản mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm đầu tư làm cầu để người dân đi lại thuận tiện, giúp các cháu đi tới trường an toàn.
Năm nay, Trường dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ đưa tiếp học sinh lớp 3 về trường trung tâm nên ngay từ đầu năm học, các giáo viên của nhà trường phải cõng bàn ghế qua suối, đảm bảo đủ cơ sở vật chất cho học sinh khi bước vào năm học mới.
Anh Trần Văn Hạnh, giáo viên Trường dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ, tâm sự: “Vì lòng yêu nghề và học sinh nên các thầy cô không ngại khó khăn vất vả cõng bàn ghế đảm bảo học sinh đủ chỗ ngồi. Mỗi khi học sinh về nhà hay đến trường, giáo viên lại phối hợp phụ huynh xem xét tình hình nước lũ rồi mới quyết định đưa các em qua. Tuy nhiên, khi vượt suối mùa lũ rất nguy hiểm nên chúng tôi phải tính toán, lựa chọn địa điểm an toàn nhất và cách thức để đưa học sinh, đảm bảo không có sơ suất nào xảy ra.”
Xã Nậm Sỏ là xã khó khăn có 22 bản, gồm đồng bào 5 dân tộc: Mông, Thái, Dao, Kinh, Khơ Mú sinh sống. Đời sống của người dân các dân tộc còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đường giao thông bị sông suối chia cắt nên đi lại vất vả.
Đặc biệt, tại bản Nà Ui nhiều năm nay, học sinh khi đến trường cũng như về nhà phải bơi qua suối cùng phụ huynh hoặc giáo viên, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì, vận động học sinh đến lớp, đến trường.
Năm học 2018-2019, khối Tiểu học có 74 học sinh thì chỉ có 24 em học tại điểm bản còn 50 em phải ra điểm trường chính. Như vậy, cứ cuối tuần khi các em về bản và đầu tuần đến trường, phụ huynh phải đi cùng và đằm mình cõng từng em qua suối, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Cô giáo Trần Thị Hồng Thoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ, cho biết: “Khó khăn của nhà trường hiện nay là việc các em ở bản Nà Ui phải đi qua suối để đến trường. Mặc dù các em được ở bán trú nhưng đến cuối tuần lại về với gia đình; giáo viên hỗ trợ cùng phụ huynh giúp học sinh qua suối an toàn."
"Chúng tôi quán triệt tới giáo viên và phụ huynh phải đảm bảo an toàn cho học sinh khi qua suối. Khi nước lũ lên quá cao, chảy xiết, giáo viên tuyệt đối không đưa học sinh về mà cho ở lại bán trú,” cô Thoan nói.
Con đường tới trường học con chữ ở bản Nà Ui thật gian nan. Các em nhỏ nơi vùng khó khăn này mong sớm có cây cầu bắc qua suối Pá Đành để con đường học chữ đỡ phần vất vả.
Dọn bùn đất sau lũ để kịp khai giảng
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng Công an, Quân đội nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai để kịp tổ chức khai giảng năm học mới.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa phấn đấu ngày 5/9, các điểm trường bị ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn sẽ kịp tổ chức khai giảng cho học sinh.
Theo đó, tại các điểm trường bị ngập trên địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương khi nước rút khẩn trương tiến hành cào bùn đất, rác thải ra khỏi khu vực trường.
Một số trường nằm trong vùng trũng như trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cẩm Sơn (huyện Cẩm Thủy), trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Yên (huyện Vĩnh Lộc)... do không kịp dọn bùn đất khi nước rút nên có nơi bùn đọng lại dày hơn 50cm.
Ban Giám hiệu nhà trường đã huy động phụ huynh học sinh cùng các lực lượng Công an, Quân đội, thanh niên... huy động xe chuyên dụng của lực lượng cứu hỏa để dọn rửa nhanh bùn đất.
Đến ngày 4/9, tất cả các điểm trường bị ngập đã cơ bản khắc phục xong để kịp tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Cùng với các điểm trường bị ngập, trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa còn có 10 điểm trường, chủ yếu là các trường ở huyện Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa bị thiệt hại nặng nề do sạt lở đất.
Cụ thể, tại trường Tiểu học Trung Sơn (huyện Quan Hóa), mưa lũ đã làm sập đổ hoàn toàn 9 phòng học và nhà bán trú của giáo viên, học sinh.
Tại huyện Mường Lát, mưa lũ làm hỏng hoàn toàn nhiều phòng học cấp mầm non, tiểu học ở bản Pọong (xã Tam Chung), bản Lìn (xã Trung Lý) và các phòng học ở xã Pù Nhi. Trong đó, các điểm trường tại bản Lìn, xã Trung Lý đã bị bùn đất vùi lấp gần như hoàn toàn...
Ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết dù bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, song thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động các phương án để kịp tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện chủ động các phương án gộp ba cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) tại một điểm trường chính có cơ sở vật chất bị thiệt hại nhẹ nhất để tổ chức lễ khai giảng năm học 2018-2019.
Đối với học sinh mầm non, tiểu học ở các khu lẻ trong các bản vùng sâu, vùng xa, nơi các phòng học bị phá hủy hoàn toàn, nhà trường có thể cho học sinh tạm nghỉ, không phải đến điểm trường chính ở trung tâm xã dự lễ khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh...
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, đợt thiên tai vừa qua đã khiến 36 điểm trường trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, trong có có 24 điểm trường bị ngập sâu trong nước, 10 điểm trường bị thiệt hại do sạt lở đất và 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị sập hoàn toàn...
Đắk Nông hoàn thành việc phân phối, cấp phát sách giáo khoa
Ông Ngô Xuân Hà, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sách và thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông, cho biết đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc phân phối, cấp phát sách giáo khoa năm học 2018-2019. Tổng số sách đơn vị đã phân phối, cấp phát năm nay là hơn 2,3 triệu bản.
Năm học 2018-2019, Đắk Nông có hơn 173.000 học sinh, tăng hơn 7.000 em so với năm học trước. Nhìn chung, thị trường sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cơ bản ổn định. Hệ thống phân phối đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu sách giáo khoa của học sinh trong năm học mới. Trên địa bàn không xảy ra tình trạng thiếu sách hay tăng giá so với quy định.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sách và thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, Ban Giám hiệu các trường trong tỉnh hoàn thành việc cấp phát sách giáo khoa và vở viết cho học sinh diện khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định.
Việc phân bổ sách cấp phát miễn phí về các trường cơ bản hoàn thành vào ngày 21/8, đảm bảo học sinh diện cấp phát được nhận sách, vở trước ngày khai giảng năm học mới.
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 27.000 học sinh được cấp miễn phí sách, vở với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng, trích từ ngân sách tỉnh.
Cũng theo ông Ngô Xuân Hà, năm học này, tại tỉnh Đắk Nông tiếp tục xuất hiện sách lậu, sách không đảm bảo chất lượng, nhất là đối với sách Tiếng Anh. Tình trạng này gây nhiều khó khăn trong việc dạy và học cũng như ảnh hưởng lớn đến nhà phân phối, đơn vị liên quan.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sách và thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông khuyến cáo, phụ huynh chỉ mua sách tại các đại lý phân phối chính thức của Công ty trên địa bàn để đảm bảo sách chất lượng cho con em mình./.