Chỉ cần bỏ ra 2.000 đồng, bất cứ học sinh nào cũng có thể mua một gói “thịt hổ khô” với màu sắc hết sức bắt mắt ở các gánh hàng rong trước cổng trường. Trong khi các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa đưa ra cảnh báo chính thức, các bậc phụ huynh lại tỏ ra hết sức lo lắng cho sức khỏe con em mình trước sức tấn công “mãnh liệt” của loại quà vặt, nhưng đặt ra những vấn đề không hề vặt này. Tràn lan thịt hổ giá siêu rẻ Có mặt tại cổng trường tiểu học Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) vào giờ tan học, theo quan sát của phóng viên, hàng chục cháu học sinh đã quây quanh 3 mẹt hàng được bày sẵn ngay vỉa hè. Món hàng được các cháu chọn nhiều nhất vẫn là loại thịt khô đóng gói được quảng cáo là thịt hổ. Cầm trên tay một gói sặc sỡ to hơn bàn tay người lớn, cháu Trần Quang H. (học sinh trường tiểu học Cát Linh) khoe: “Món này đã có từ lâu, ngày nào cháu cũng mua 2 gói về ăn dần.” Theo tìm hiểu, sở dĩ “thịt hổ” khô đắt hàng bởi giá của loại sản phầm này hết sức rẻ, chỉ 2.000 đồng/gói. Bên cạnh đó, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt cũng khiến các cháu càng thích thú hơn. [Thực phẩm mất an toàn “bao vây” nhiều cổng trường] Trên bao bì sản phẩm có in hình “ông ba mươi” cùng nhiều hàng chữ Trung Quốc lớn. Đặc biệt, nhà sản xuất còn cho in cả logo, nhãn ISO nhưng không có số hiệu cùng với một loạt các biểu tượng khác. Chị Trần Thị Hoa (Đội Cấn, Ba Đình) cho hay: “Khi thấy cháu nhà tôi ăn loại thịt này, tôi cũng có tìm hiểu, nhưng không thấy bất cứ một thông tin nào về sản phầm. Đọc bao bì thì lại càng mù tịt bởi chỉ có chữ Trung Quốc.” Điều đáng nói là, theo khảo sát của Vietnam+, loại thịt khô đặc biệt này xuất hiện ở hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở tại Hà Nội. Tại trường Trung học cơ sở Giảng Võ (đường Trần Huy Liệu, Giảng Võ) khi được hỏi mua thịt khô, một người bán cho hay, hiện chỉ có “thịt hổ” là bán chạy. Các loại khác như bò khô, nai khô… đều không có khách mua.
Bao bì sản phẩm chỉ có dòng chữ ghi thời gian nhập nhằng (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Bên trong mỗi túi có chừng gần chục miếng thịt nhỏ chừng ngón tay cái màu nâu xậm được tẩm ướt gia vị. Cầm trên tay, miếng thịt hơi dính, bốc mùi khá khó chịu. Khi ăn, miếng thịt khô có vị mặn mặn, ngọt ngọt, và rất dai. Khi đốt trên ngọn lửa, miếng thịt cháy nhanh, nhưng không có mỡ chảy ra. Khói bốc lên cũng không giống mùi thịt mà lại rất giống với mùi gỗ cháy. Đặc biệt, khi mua một loạt gói thịt lạ này, chúng tôi đều thấy ở mặt sau của sản phẩm có in ngày tháng nhưng không rõ là ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Lạ lùng hơn, trong số hơn chục mẫu mà phóng viên mua về, có đến quá nửa dòng chữ năm tháng ghi 2012.07.07. Cá biệt, một số ít gói ghi 2012.09.20. Chính sự nhập nhằng này càng khiến các phụ huynh “tái mặt” hơn khi ngày ngày chứng kiến con mình háo hức với thứ quà vặt từ Trung Quốc này. "Dù đây là ngày sản xuất hay hạn sử dụng thì đến thời điểm hiện tại, miếng thịt bên trong đều không thể đảm bảo chất lượng được nữa," chị Hoa nghi ngại. Thực hư “thịt ông Ba mươi”
Theo thống kê của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF, tính đến năm 2010, tại Việt Nam chỉ còn dưới 50 cá thể hổ hoang dã đang phân bố tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn chủ yếu ở các khu vực biên giới miền Trung. Hổ cũng là nhóm động vật IB được luật pháp quy định nghiêm cấm khai thác và sử dụng cho mục đích thương mại. Bởi những lý do này, các chuyên gia nhận định: Loại thịt hổ khô bán với giá bèo trên thị trường không thể là thịt hổ “xịn.” Bản thân những người bán hàng trước các cổng trường cũng không thể khẳng định được đây là loại thịt gì. Điều duy nhất họ nắm được là loại sản phẩm này được nhập từ chợ đầu mối Đồng Xuân. Để kiểm chứng rõ hơn, chúng tôi đã vào vai hai người có nhu cầu nhập hàng về bán. Tại chợ Đồng Xuân, khi được hỏi, hầu hết các gian hàng đồ khô đều khẳng định, loại thịt hổ khô này được nhập từ Trung Quốc. Đây cũng là sản phẩm được những người bán hàng rong ưa chuộng vì giá vừa rẻ, màu sắc bắt mắt nên bán rất chạy.
Theo thống kê của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF, tính đến năm 2010, tại Việt Nam chỉ còn dưới 50 cá thể hổ hoang dã đang phân bố tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn chủ yếu ở các khu vực biên giới miền Trung. Hổ cũng là nhóm động vật IB được luật pháp quy định nghiêm cấm khai thác và sử dụng cho mục đích thương mại. Bởi những lý do này, các chuyên gia nhận định: Loại thịt hổ khô bán với giá bèo trên thị trường không thể là thịt hổ “xịn.” Bản thân những người bán hàng trước các cổng trường cũng không thể khẳng định được đây là loại thịt gì. Điều duy nhất họ nắm được là loại sản phẩm này được nhập từ chợ đầu mối Đồng Xuân. Để kiểm chứng rõ hơn, chúng tôi đã vào vai hai người có nhu cầu nhập hàng về bán. Tại chợ Đồng Xuân, khi được hỏi, hầu hết các gian hàng đồ khô đều khẳng định, loại thịt hổ khô này được nhập từ Trung Quốc. Đây cũng là sản phẩm được những người bán hàng rong ưa chuộng vì giá vừa rẻ, màu sắc bắt mắt nên bán rất chạy.
Các chuyên gia khẳng định, cần thận trọng với "thịt hổ" rởm (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Trong khi đó, trao đổi với Vietnam+, đại diện một số Đội quản lý thị trường tại Hà Nội cũng cho hay: các đơn vị sẽ khẩn trương tiến hành kiểm tra thông tin. Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 11, ông Lê Mạnh Hùng còn cho biết thêm, loại sản phẩm này không phải mới xuất hiện. Cách đây vài năm, các đội quản lý thị trường đã từng bắt giữ loại “thịt hổ” này với số lượng lên tới vài tấn. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trước đó chỉ phân bố tại các tỉnh miền Trung. Ông Hùng cũng khẳng định, đây không phải là thịt hổ mà chỉ là tạp phẩm tẩm ướp hóa chất nên có mùi vô cùng khó chịu. Trước thông tin loại thịt hổ khô này đã có mặt tại Hà Nội, ông Hùng khẳng định thời gian tới sẽ cho lực lượng tiến hành rà soát đồng thời cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác. Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội, qua kiểm tra tại các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở ở 5 quận vừa qua đã cho kết quả, 100% mặt hàng đồ ăn kinh doanh trên xe đạp, xe đẩy hoặc quang gánh đều không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa số chế biến từ nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh cá nhân không bảo đảm. Dù vậy, các loại đồ ăn này lại luôn hút thực khách “nhí”, và điều đó đặt ra cho các cơ quan chức năng nhiều câu hỏi để có thể đảm bảo sức khỏe cho các mầm non tương lai./.
Sơn Bách (Vietnam+)