Học sinh đến trường và an toàn phòng dịch: Bài toán khó của Hà Nội

Nhiều bậc phụ huynh đang mong mỏi giai đoạn học trực tuyến sớm kết thúc khi dịch dần được kiểm soát do việc bố trí người lớn ở nhà đôn đốc, kèm cặp con em học đang gây khó khăn cho không ít gia đình.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến việc Trường liên cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở Capitole (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vi phạm các quy định của thành phố, tự ý "vượt rào" đón học sinh đến trường học, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định xử phạt 30 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty chủ quản của đơn vị này cũng bị phạt ở mức tương tự do vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh học sinh toàn thành phố vẫn học trực tuyến để phòng, chống dịch.

Trước đó, vào ngày 8/10, qua phản ánh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn đã kiểm tra, phát hiện Trường liên cấp Capitole cho gần 50 học sinh đến lớp học trực tiếp, chủ yếu ở khối Mầm non và Tiểu học.

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã đình chỉ hoạt động của trường, đồng thời tiến hành khử khuẩn khu vực khuôn viên, lớp học.

Sau khi sự việc trên xảy ra, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã yêu cầu 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn phải ký cam kết với toàn bộ giáo viên nhà trường. Thủ trưởng các đơn vị cũng phải ký cam kết với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm túc việc không tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc các hoạt động tại trường khi chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

[Hà Nội xử lý nghiêm trường mầm non tự ý cho học sinh đến trường]

"Vượt rào" cho trẻ đến trường khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền là sai và phải chịu kỷ luật. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người làm cha, làm mẹ cũng đang mong mỏi giai đoạn học trực tuyến sớm kết thúc khi dịch dần được kiểm soát.

Nhiều người cho biết việc bố trí người lớn ở nhà để đôn đốc, kèm cặp con em học trực tuyến đang gây khó khăn cho không ít gia đình. Với trẻ mầm non, việc chăm sóc, trông coi hằng ngày cũng khiến người lớn phải vất vả bố trí công việc.

Chị Đinh Khánh Linh (quận Cầu Giấy), có hai con học mầm non và tiểu học. Chị cho biết để yên tâm đi làm sau thời giãn cách, chị phải chuyển đến ở cùng bố mẹ đẻ để tiện nhờ ông bà trông con. Cuộc sống của hai gia đình bị đảo lộn. Tuy nhiên, chị Linh vẫn cho rằng thành phố không nên vội vàng quyết định cho học sinh đi học khi chưa thật an toàn.

“Mong con được đến trường lắm nhưng đọc thông tin về những trường hợp ở các tình, thành phố khác khi cho học sinh đi học rồi lại phải nghỉ ngay vì phát hiện các ca F0 ở trường thì tôi lại sợ. Tốt nhất là cứ an toàn đã rồi hãy cho học sinh đến trường,” chị Linh chia sẻ.

Cùng suy nghĩ, anh Nguyễn Thành Công (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng các trường học ở Hà Nội đều đông học sinh nên thành phố cần cân nhắc về thời điểm cũng như có sự chuẩn bị chắc chắn từng bước cho học sinh đi học để đảm bảo an toàn cho học sinh và nhà trường.

“Một vài trường hợp F0 trong một trường thôi cũng sẽ làm lây lan rất rộng, khi đó hậu quả khó lường, sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực,” anh Công bày tỏ.

Hiện tại, số ca F0 trong cộng đồng ở Hà Nội giảm mạnh, song việc phát sinh ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nhị Việt Đức và những ca F0 chưa rõ nguồn lây đã hiển hiện nguy cơ thiếu ổn định. Tại những khu vực công cộng bắt đầu xuất hiện sự chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân. Một số phụ huynh và mạng xã hội đang tạo áp lực để chính quyền và Sở Giáo dục Đào tạo quyết định cho trẻ đến trường học tập ngay từ bay giờ.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, việc cho học sinh trở lại trường học tập là mong muốn của ngành giáo dục Hà Nội cũng như của học sinh, của phụ huynh.

Tuy nhiên, cho phép học sinh trở lại trường cần phải cân nhắc kỹ bài toán là cho trẻ đến trường để nâng cao hiệu quả giáo dục và "giải phóng" cho những người làm cha, làm mẹ nhưng phải vừa đảm bảo an toàn cho học sinh vừa bảo vệ thành quả phòng, chống dịch mà thành phố Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. Trong tất cả các phương án thì sự ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho học sinh.

Có ý kiến cho rằng Hà Nội quá thận trọng và chậm chạp trong quyết định cho học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, lại có những ý kiến khác nêu rõ, trước tình hình dịch COVID-19 còn nhiều bất ổn thì việc thận trọng của thành phố Hà Nội là cần thiết, nhất là khi vẫn còn các ca bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine mũi 2 tại Thủ đô chưa cao, học sinh lại chưa được tiêm vaccine phòng dịch nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục