Học kỳ đặc biệt chưa từng có: Nhiều trăn trở và khát khao tới trường

Đã hoàn thành học kỳ một và cơ bản đạt các yêu cầu đặt ra của chương trình, nhưng việc học trực tuyến kéo dài vẫn đang đặt ra cho các nhà trường, học sinh nhiều thách thức.
Suốt một học kỳ qua, các lớp học vắng bóng học sinh.  Cô Lê Thu Trang chỉ có một mình với chiếc máy tính và những dãy bàn ghế trống. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Nắm bắt được kiến thức cơ bản nhưng vẫn có nhiều hạn chế trong tiếp thu bài học, đặc biệt là với khối lớp 1, 2 cũng như chịu những tác động tiêu cực về tinh thần là chia sẻ của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh Thủ đô sau một học kỳ học trực tuyến hoàn toàn, học kỳ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử.

Khó khăn chồng chất

Dù cô con gái nhỏ Lê Nguyễn Uyển Vy đã học hết học kỳ đầu tiên của lớp 1 nhưng anh Lê Quốc Trung (quận Ba Đình, Hà Nội) chưa được dắt tay con đến trường một lần nào trong suốt học kỳ qua vì con học trực tuyến tại nhà hoàn toàn. Bên cạnh niềm hân hoan con vào lớp 1 là nỗi lo lắng của ông bố trẻ khi chính mình phải là người cầm tay con viết những nét chữ đầu tiên.

Không chỉ phụ huynh, lo lắng cũng là tâm trạng của cả các giáo viên, nhà trường. “Với lớp 1, chúng tôi rất lo vì chưa hề gặp phụ huynh, mọi thủ tục nhập học đều qua mail. Học sinh chưa gặp cô giáo, chưa từng tới trường tiểu học nên chưa cảm nhận được tình yêu trường, yêu lớp,” cô Nguyễn Thị Thúy Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam, Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, theo cô Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B, hạn chế lớn nhất của học sinh lớp 1 khi học online là ít khả năng tập trung chú ý, thứ hai là các con chưa thành thạo về máy móc, trang thiết bị để tham gia vào quá trình học tập.

So với lớp 1, học sinh lớp 2 có thuận lợi hơn vì đã làm quen với chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm lớp 1, đã được đến trường và bước đầu quen với nền nếp học tập ở bậc tiểu học. “Nhưng điểm thiệt thòi là học online nên học sinh ít có thời gian để thực hiên các hoạt động nhóm hay trải nghiệm thực tế vốn rất hay trong chương trình mới. Nhà trường đã khắc phục bằng cách kết hợp với cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động nhóm cho các con dưới hình thức trực tuyến bằng ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin. Tuy nhiên, không thể hiệu quả bằng học trực tiếp,” cô Hạnh cho biết.

Đây cũng là những thiệt thòi của học sinh lớp 6 năm nay, khóa đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở. Theo thầy Trần Thanh Việt, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh, quận Ba Đình, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tập huấn đội ngũ giáo viên cho chương trình mới gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện theo hình thức trực tuyến, đặc biệt là với đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp Lịch sử-Địa lý, Khoa học Tự nhiên, vốn là hai môn học hoàn toàn mới trong chương trình lớp 6 năm nay.

“Hiện tại chúng tôi chưa có đội ngũ giáo viên có thể dạy trọn vẹn một môn tích hợp mà phải bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung, ra đề kiểm tra chung,” thầy Việt cho biết.

Em Lê Nguyễn Uyển Vy chưa từng được tới lớp dù đã học xong học kỳ 1 của lớp 1. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Trong khi đó, với học sinh, việc học online kéo dài cũng khiến các em mệt mỏi và áp lực. “Em thấy mình căng thẳng hơn nhiều, ngày nào cũng vùi đầu vào sách vở, cảm giác như không thoát đi đâu được, tâm lý nặng nề ảnh hưởng nhiều đến việc học và việc thi của em,” Nguyễn Khánh Vy, học sinh Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn, Hà Nội, nói.

Nỗ lực vượt thách thức

Với vô vàn những khó khăn, các nhà trường, học sinh và phụ huynh đã cùng nỗ lực để có thể vượt qua một học kỳ đầy thách thức.

Để giúp học sinh lớp 1 có thể học trực tuyến, cô Lưu Thị Hồng Hạnh cho hay nhà trường đã liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh để phối kết hợp, đặc biệt trong các buổi học online.

Không thể cầm tay chỉ dạy cho học sinh từng nét chữ, cô Lê Thu Trang (giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Thành Công B) sử dụng các phần mềm để quay video hướng dẫn học sinh của mình cách cầm bút, đặt bút, đưa nét. Trong khi đó, các phụ huynh lại trở thành những “trợ giảng” bất đắc dĩ.

“Tôi phải học lại lớp 1 cùng con, cùng đọc, cùng tập viết. Bố cũng có một quyển vở, cũng cầm bút nhẫn nại từng nét,” anh Lê Quốc Trung, phụ huynh Trường Tiểu học Thành Công B cười nói.

Trải qua một học kỳ nhiều khó khăn, cô Hạnh cho hay học sinh lớp 1 của nhà trường đã hoàn thành tốt các nội dung học tập của các bộ môn cũng như yêu cầu của các hoạt động giáo dục.

[Bộ GD-ĐT: Bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học]

“Điểm yếu nhất của các con là chữ viết. Trong điều kiện học online, điều này khó tránh khỏi. Khi ra đề kiểm tra, giáo viên cũng phải linh hoạt như cho đề bài viết ngắn hơn, tốc độ chậm hơn so với mọi năm để phù hợp với điều kiện thực tế và các con không bị quá thiệt thòi,” cô Lê Thu Trang chia sẻ.

Tại Trường Tiểu học Lĩnh Nam, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Hường cũng cho biết cô vẫn chưa hài lòng với kết quả học kỳ một của học sinh lớp 1 năm nay so với các năm trước đó: “Các học sinh lớp 1 đều biết đọc, biết tính toán trong phạm vi yêu cầu cần đạt trong chương trình. Tuy nhiên, chúng tôi chưa cảm thấy hài lòng so với kết quả của các năm trước đó vì chữ viết của các con còn nhiều hạn chế. Cỡ chữ chưa đúng, chưa ngay ngắn thẳng hàng khi các cô không thể cầm tay chỉnh sửa.” Cô Hường cho hay sau khi sơ kết học kỳ và nhận thấy phần hạn chế này, nhà trường sẽ cố gắng gửi thêm hướng dẫn để các con luyện tập. Khi trở lại trường, giáo viên sẽ bổ sung các phần kiến thức và kỹ năng còn thiếu cho các con.

Ở bậc trung học cơ sở, theo thầy Trần Thanh Việt, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh, dù có nhiều khó khăn, học sinh của trường đã hoàn thành tốt chương trình học kỳ một, đạt được các yêu cầu đặt ra về kiến thức, phẩm chất, kỹ năng.

Kết quả học kỳ một của học sinh cơ bản vẫn đạt yêu cầu, nhưng áp lực tâm lý của việc học online đang ngày càng nặng nề hơn, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính cách của các em. Theo chị Đào Minh Hường (Hoàng Mai, Hà Nội), chị cảm thấy con nóng nảy hơn và gần như lúc nào trong trạng thái bực bội, khi bố mẹ hỏi đến con có phản ứng thái quá hơn so với bình thường. “Nhiều lần khi tôi trao đổi với con lúc con căng thẳng quá thì con khóc và nói con tiếp thu bài không vào. Có nhiều dấu hiệu cho thấy con căng thẳng quá mức,” chị Hường lo lắng nói.

Với nhiều hạn chế và áp lực, sau một học kỳ học trực tuyến hoàn toàn, cô Lưu Thị Hồng Hạnh cho biết mong mỏi lớn nhất của tất cả các học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường là học sinh được đến trường học trực tiếp. Đây cũng là câu trả lời của em Lê Nguyễn Uyển Vy, học sinh lớp 1, trường Tiểu học Thành Công B khi được hỏi về ước muốn trong học kỳ mới: “Con ước được tới trường. Học trực tuyến ở nhà con rất buồn!”./.

Cô Lê Thu Trang chia sẻ về năm học đặc biệt
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục