Học giả Việt Nam-Nga thảo luận thúc đẩy hợp tác trong điều kiện mới

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc VASS đã chỉ ra những vấn đề về an ninh cũng như những thay đổi kinh tế do đại dịch COVID-19 mà cả Nga và Việt Nam phải đối mặt.

Ngày 18/10, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (RAN) cùng với Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) đã tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến “Phát triển quan hệ hợp tác Nga-Việt trong điều kiện trừng phạt” với sự tham dự của nhiều học giả uy tín hai nước.

Trưởng Phòng Kinh tế, Khoa học và Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Tham tán Lê Thị Huyền Minh cũng tham dự sự kiện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tiến sỹ Khoa học Địa lý Mikhail Lobanov, Phó Giám đốc Viện Kinh tế RAN và chuyên gia hàng đầu của tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu thuộc Viện Kinh tế RAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa cộng đồng học thuật Nga và Việt Nam, đồng thời chỉ ra một số sự kiện chung do RAN và các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam tổ chức trong những năm gần đây.

Ông Lobanov cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ kinh tế giữa Nga và Việt Nam đối với cả hai nước và các vấn đề về thay đổi cấu trúc cán cân thương mại, đầu tư, sự phát triển của các liên doanh.

[Việt Nam-Nga: Đối tác ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại]

Trong phát biểu của mình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc VASS, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Chiến Thắng đã chỉ ra những vấn đề về an ninh cũng như những thay đổi kinh tế do đại dịch COVID-19 mà cả Nga và Việt Nam phải đối mặt.

Tại hội thảo, các báo cáo, tham luận đã đề cập cụ thể đến những tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Liên bang Nga, cũng như thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế của hai bên trong thời gian qua, đồng thời đưa ra những khuyến cáo, kiến nghị để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Nhìn chung các báo cáo cho rằng Việt Nam và Liên bang Nga vẫn còn nhiều dư địa để hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng, khoa học-kỹ thuật, thương mại, trong bối cảnh Liên bang Nga đang xúc tiến chiến lược “Xoay trục sang phương Đông”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục