Học giả Thái: Chủ tịch VN thăm Mỹ là sự kiện lịch sử

Những ngày cuối tháng Bảy, dư luận quốc tế, khu vực dành nhiều sự quan tâm đối với chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tới Mỹ, một chuyến thăm lịch sử rất được trông đợi và mang lại nhiều ý nghĩa cũng như lợi ích cho nhân dân hai nước. Nhân sự kiện này, giáo sư Artha Nantachukra, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Giám đốc Viện nghiên cứu Phuphan, Thái Lan đã có bài viết nhìn nhận, đánh giá về sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam vừa qua, với tiêu đề "Chủ tịch Việt Nam thăm Mỹ - Một chuyến thăm lịch sử, Một tầm nhìn chiến lược."
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 24-26/7/2013.

Nhân sự kiện này, giáo sư Artha Nantachukra, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Giám đốc Viện nghiên cứu Phuphan, Thái Lan đã có bài viết nhìn nhận, đánh giá về sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam vừa qua, với tiêu đề "Chủ tịch Việt Nam thăm Mỹ - Một chuyến thăm lịch sử, Một tầm nhìn chiến lược."

Vietnam+ xin được giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài viết này:

Những ngày cuối tháng Bảy, dư luận quốc tế, khu vực dành nhiều sự quan tâm đối với chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tới Mỹ, một chuyến thăm lịch sử rất được trông đợi và mang lại nhiều ý nghĩa cũng như lợi ích cho nhân dân hai nước.

Chuyến thăm này là lần thứ hai một Nguyên thủ Việt Nam thăm chính thức Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, trước đó là chuyến thăm năm 2007 của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Chuyến đi này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thể xem như bước phát triển rất căn bản trong quan hệ Việt-Mỹ, một dịp quan trọng để hai bên xử lý các vấn đề chiến lược trong quan hệ song phương và là cơ hội để cải thiện hợp tác giữa Mỹ và các nước ASEAN.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trên mọi mặt sau gần 20 năm bình thường hóa quan hệ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và giáo dục.

Bên cạnh đó, quan hệ Việt-Mỹ cũng đứng trước nhiều thách thức, trong đó rào cản thương mại từ phía Mỹ, đặc biệt là những vụ kiện bán phá giá gây thiệt hại lớn cho cả nông dân Việt Nam và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời vẫn tồn tại một vài lĩnh vực hai nước chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.

Chuyến thăm được dư luận đặc biệt quan tâm trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. 

Thế nên thật dễ hiểu khi dư luận quốc tế kỳ vọng chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Mỹ lần này sẽ giúp đưa quan hệ song phương Việt-Mỹ sang một giai đoạn mới, đồng thời chăm chú dõi theo những động thái mới của Mỹ trong chiến lược của họ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự can dự của nước này trong tranh chấp Biển Đông.

Trong thời gian thăm chính thức từ ngày 24 đến ngày 26/7, ngoài hội đàm với Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn làm việc với các nhà lãnh đạo Quốc hội, nhiều thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ Mỹ, gặp gỡ đại diện doanh nghiệp, học giả, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ.

Rõ ràng là Ngài Chủ tịch không bỏ lỡ một cơ hội nào để tăng cường quan hệ Việt-Mỹ; chính giới và doanh nghiệp hai nước có dịp lại gần nhau hơn để thúc đẩy cơ hội hợp tác cũng như tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề còn bất đồng, tồn tại.

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước, trong đó có 3 nước thường trực Hội đồng Bảo an là Trung Quốc, Nga, và Anh. Sau chuyến thăm Mỹ kỳ này, quan hệ hai nước đã tiến rất gần đến những gì mà Việt Nam kỳ vọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của mình.

Tổng thống Barack Obama phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Chủ tịch Trương Tấn Sang rằng Việt Nam và Mỹ đã thiết lập một mối quan hệ “hợp tác đối tác toàn diện,” từ đó có sự hợp tác rộng lớn hơn trong tất cả mọi lĩnh vực từ thương mại và mậu dịch đến hợp tác giữa hai quân đội và hợp tác song phương trong cứu nạn, trao đổi khoa học và giáo dục. Dư luận hai nước tin rằng, một ngày không xa, mối quan hệ đối tác toàn diện này sẽ được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược.

Nỗ lực nâng tầm quan hệ, hợp tác kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình thăm Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam luôn xuất siêu; kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình gần 20%/năm; riêng 2012, kinh tế thế giới khó khăn như vậy, song thương mại Việt-Mỹ vẫn tăng 14%, đạt 24,5 tỷ USD (Việt Nam xuất trên 19 tỷ USD).

Theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, thương mại song phương Việt-Mỹ có thể đạt hơn 27 tỷ USD trong năm nay và lên tới hơn 33 tỷ USD đến năm 2015.

Trong chuyến thăm lần này, cả hai phía Việt Nam và Mỹ đều tập trung thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), một Hiệp định nếu đạt được sẽ tiếp tục củng cố vị trí của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng kim ngạch hai chiều và vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào Việt Nam cũng như tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đề nghị Mỹ mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, tránh áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đồng thời hai nước cần sớm thảo luận về việc xây dựng Hiệp định khung về hợp tác nông nghiệp.

Nếu Mỹ thiện chí và ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này thì sẽ thực sự rất có lợi cho nông dân Việt Nam và nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ.

Theo các nhà quan sát, chuyến thăm này đã góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước về các vấn đề chiến lược ở khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, mà ở đó “Việt Nam, dù là một bên đòi hỏi chủ quyền nhưng lại có tiếng nói rất có trách nhiệm về cách tiếp cận ngoại giao dựa trên luật pháp,” như tân Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định trong cuộc họp báo về chính sách của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sáng 23/7. Đây cũng là cơ hội để Mỹ tăng cường hợp tác với ASEAN và là sự chuẩn bị cho chuyến công du sắp tới của Tổng thống Obama tới Brunei tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Phát biểu sau buổi tọa đàm song phương “thẳng thắn, cới mở và mang tính xây dựng” như lời của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Tổng thống Barack Obama cũng đã nhắc đến bộ quy tắc ứng xử và “đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong làm việc với các nước ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á để đạt được COC, điều sẽ giúp giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách hòa bình và công bằng.” Thông điệp của Tổng thống Barack Obama rất rõ ràng: Mỹ ủng hộ COC và hòa bình, công bằng trên Biển Đông.

Việt Nam đã rất xuất sắc trong vai trò thành viên tích cực của ASEAN, là thành viên trách nhiệm đối với các vấn đề khu vực, quốc tế, và với chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Việt Nam đã thể hiện cho thế giới thấy tầm nhìn địa chiến lược cũng như thiện chí và quyết tâm xây dựng mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển tốt đẹp vì lợi ích của hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục