Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đồn đoán trên các bản tin truyền thông rằng Trung Quốc có khả năng sẽ tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở khu vực quần đảo Đông Sa (Pratas), chuỗi đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam).
Học giả quốc tế hàng đầu Ấn Độ, Tiến sĩ Vijay Sakhuja đã đưa ra những nhận định về khả năng này, đăng trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công (CPPS), VietnamPlus xin giới thiệu cùng bạn đọc,
Đây không phải là lần đầu tiên, vùng nhận diện phòng không lại được báo chí đề cập trên các trang nhất. Trên thực tế, quay lại thời gian năm 2010, trong thời điểm diễn ra một cuộc giao thiệp ở Trung Quốc, phái đoàn Nhật Bản được một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc thông báo rằng Trung Quốc đang cân nhắc thiết lập vùng nhận diện phòng không đầu tiên ở Biển Hoa Đông.
Đồng thời, Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đề xuất rằng “hai nước thảo luận các quy định về hành vi trong tình huống có va chạm trên không ở khu vực.” Đề xuất này cho thấy rõ ràng vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc chồng lấn với vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản.
Sau khi trải qua các tiến trình phê duyệt cần thiết, Trung Quốc cuối cùng đã thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông năm 2013. ADIZ của Trung Quốc gặp rất nhiều vấn đề do chồng lấn với vùng ADIZ hiện hữu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung Quốc lập luận rằng, ADIZ của nước này sẽ tuân thủ “các tập quán quốc tế.”
Mỹ, Canada, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều quốc gia khác đã đưa ra các hướng dẫn chính thức yêu cầu các máy bay phải thông báo lịch trình bay mà không cần biết đích đến khi bay qua vùng ADIZ do những nước này thiết lập.
Tuyên bố của Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Mỹ cũng đã tham dự vào cuộc tranh luận này do “áp dụng hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư và quyền của Mỹ đối với tự do hàng không tại không phận quốc tế.”
Mỹ coi tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc là “đơn phương,” “làm leo thang căng thẳng” và là “nỗ lực làm thay đổi nguyên trạng,” nhưng sau đó, Mỹ đồng ý chấp nhận yêu cầu khai báo đối với máy bay dân sự.
[Việt Nam phản đối Trung Quốc điều tàu chiến, máy bay tới Trường Sa]
Tuy nhiên, nhằm thử khả năng của phía Trung Quốc, Mỹ đã đưa 2 máy bay B52 đi xuyên qua vùng nhận diện phòng không ở vùng phụ cận quần đảo Điếu Ngư mà không khai báo với nhà chức trách hàng không Trung Quốc.
Máy bay ném bom của Mỹ đã không bị Trung Quốc ngăn cản. Mỹ cho biết chuyến bay đó “không có vấn đề gì” và “không có liên lạc, không có phản ứng gì” từ phía Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cho biết nước này đã “giám sát toàn bộ tiến trình.”
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc thỏa hiệp và chấp nhận vùng nhận diện phòng không ở Biển Hoa Đông là chỉ dành cho máy bay dân sự (không phải máy bay quân sự) phù hợp với nhận thức của các nước khác vốn đã áp dụng các chế độ và tập quán bay dân sự tương tự.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại thường xuyên đưa máy bay chiến đấu để phản đối bất kỳ khi nào máy bay chiến đấu của Trung Quốc thâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản.
Đa số các sự kiện này thuộc vùng trời gần với Okinawa và quần đảo Senaku do Nhật Bản đang kiểm soát (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Có lẽ, điều khiến Nhật Bản lo ngại là số lượng các vụ xâm nhập đã tăng mạnh từ 500 vụ năm 2017-2018, lên 638 vụ năm 2018-2019 và 675 năm 2019-2020.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông hay không? Mặc dù Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào đối với vùng nhận diện phòng không tại khu vực quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chỉ có một số ít nhà phân tích của Trung Quốc có hiểu biết về các khía cạnh của ADIZ (vận hành và kiểm soát) cho rằng Trung Quốc có thể gặp khó khăn nếu tuyên bố vùng nhận diện phòng không do “một số cân nhắc liên quan đến khía cạnh kỹ thuật, chính trị và ngoại giao.”
Những nhà phân tích này cho rằng chừng nào Trung Quốc chưa có “thiết bị phát hiện, khả năng tác chiến và các cơ sở hạ tầng đã được lắp đặt và sẵn sàng vận hành” Trung Quốc sẽ không dại dột gì để theo đuổi sáng kiến này.
Trung Quốc đã xây dựng biến đảo Phú Lâm mà nước này đang chiếm đóng trái phép thành một pháo đài, trang bị vũ khí và có khả năng tiếp nhận máy bay ném bom.
Ngoài đảo Phú Lâm, chỉ có một số ít các thực thể ở quần đảo Trường Sa có đường băng ngắn để máy bay có thể vận hành. Vì vậy, khả năng Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu xua đuổi máy bay nước ngoài xâm phạm vùng trời ở Biển Đông vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Hơn nữa, Biển Đông có diện tích lớn gấp nhiều lần Biển Hoa Đông và chi phí để kiểm soát ADIZ sẽ rất lớn. Tuy nhiên, một quan điểm khác cho rằng trước đây, Trung Quốc đã tuyên bố ADIZ ở Biển Hoa Đông thậm chí khi quân đội Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng “nhận biết, theo dõi và trục xuất máy bay nước ngoài xâm nhập.”
Vùng nhận diện phòng không là một vấn đề phức tạp và nếu ADIZ ở Biển Hoa Đông là một vụ việc tham chiếu thì bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình hình vốn đã rất dễ biến động ở khu vực Tây Thái Bình Dương nơi mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng và đang cuốn vào các cuộc tập trận hải quân, triển khai các tàu chiến hiện đại, tàu sân bay, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của cả hai bên.
Hơn nữa, ở khu vực Biển Đông, lập luận về yêu sách của các bên tranh chấp là không thể thỏa hiệp và không thể giải quyết được.
Vào thời điểm này, Trung Quốc chưa sẵn sàng và cũng chưa có xu hướng làm mất lòng những người bạn ASEAN bằng cách mở ra thêm một mặt trận thông qua thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông vẫn chưa có tiến triển nhiều so với bản dự thảo COC đưa ra đàm phán trước đây giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Cuối cùng, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông chắc chắn sẽ trùng lặp với ADIZ của các bên tranh chấp khác tại các đảo và thực thể ở Biển Đông vốn đang nằm trong sự kiểm soát của các nước này.
Nếu thiết lập ADIZ, tranh chấp sẽ được mở rộng từ tranh chấp trên biển lên thành tranh chấp trên không và làm vấn đề thêm phức tạp nhất là trong bối cảnh không có quy định nào trong luật quốc tế ngăn cấm các quốc gia tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không. Hơn nữa, chưa có nỗ lực nào để luật hóa ADIZ và các quy định trong phạm vi ADIZ./.