Học giả quốc tế đánh giá về vai trò của Bác Hồ với Cách mạng tháng Tám

Khi nhắc đến Cách mạng tháng Tám, không thể quên nhấn mạnh kế hoạch chiến lược được hoạch định trong một thời gian dài của Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên Quảng trường Cách mạng tháng Tám kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9. (Ảnh: TTXVN)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, mà còn có ảnh hưởng tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đây là nhận định của Tiến sỹ Pradhan, người đứng đầu Ủy ban Tình báo chung của Ấn Độ, đăng trên tờ Times of India hôm 2/9, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam. VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết này tới độc giả.

Cách mạng tháng Tám không chỉ là bắt đầu chấm dứt chế độ thực dân và chế độ phong kiến, mà còn là giai đoạn khởi đầu và quan trọng nhất của nền độc lập tại Việt Nam, thành lập nước cộng hoà dân chủ theo định hướng của chủ nghĩa cộng sản.

Người lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu thời đại đó chính là Hồ Chí Minh, hay còn được nhân dân trìu mến gọi là “Bác Hồ.”

Khi nhắc đến Cách mạng tháng Tám, không thể quên nhấn mạnh kế hoạch chiến lược được hoạch định trong một thời gian dài của Hồ Chí Minh.

[Chủ tịch Hồ Chí Minh - tên Người còn mãi với non sông, đất nước]

Quan điểm của một số nhà sử học cho rằng sự thành công của Cách mạng tháng Tám chủ yếu do hoàn cảnh thuận lợi là hoàn toàn sai lầm.

Sự thành công của cuộc cách mạng là do những người lãnh đạo nó đã nhanh chóng có những động thái nhằm “tuỳ cơ ứng biến.”

Hồ Chí Minh và các cộng sự thân cận đã tận dụng những điều kiện khách quan để đạt được mục đích một cách sớm nhất.

Cách mạng thành công là điều tất yếu, dù sớm hay muộn. Đây là công lao của Hồ Chí Minh khi nhìn thấy thời cơ và có những bước đi sáng suốt để tiến tới cách mạng.

Chỉ với nguồn lực nghèo nàn, ít ỏi, Hồ Chí Minh đã có thể gây áp lực trên những kẻ thực dân thống trị, và sau đó đã chiến đấu với đế quốc Mỹ. Sự thành công của Việt Minh chủ yếu nhờ vào tài hoạch định và chiến lược xuất sắc của ông.

Từ những ngày còn trẻ, Hồ Chí Minh đã có mong muốn là học hỏi kiến thức để giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của thực dân. Ông đã trở thành tiếng nói cho nền độc lập của Việt Nam ngay từ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.

Nguồn cảm hứng của ông đến từ cuộc cách mạng Bolshevik. Sau thành công của cuộc cách mạng Bolshevik, đã có nhiều cuộc nổi dậy tại những thuộc địa của Pháp và Anh. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu kỹ những cuộc nổi dậy đó để lên kế hoạch giải phóng Việt Nam.

Năm 1919, ông thành lập tổ chức người Việt tại Pháp, đại diện nêu bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles yêu cầu chính quyền Pháp phải trao trả các quyền cho nhân dân tại Đông Dương giống như các quyền của nhân dân Pháp.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, ngày 26/12/1920. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Năm 1941, Hồ Chí Minh trở lại Việt Nam sau 30 năm bôn ba. Thời gian đó, ông đã đến nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, châu Phi, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Năm 1930, ông thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hong Kong. Sau khi trở lại Việt Nam vào năm 1941, ông đã thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, hay còn gọi là Việt Minh, là một phần rất quan trọng trong phong trào độc lập của Việt Nam và cả trong Cách mạng tháng Tám.

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lý luận mà còn một là nhà hoạch định chiến lược. Quan điểm của ông về khởi nghĩa bao hàm cả những yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị bên cạnh yếu tố quân sự.

Đáng chú ý, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia đông đảo của quần chúng và liên minh công-nông vững mạnh để cách mạng thành công.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về lý thuyết cách mạng giải phóng được thể hiện trong kiệt tác “Con đường giải phóng” của ông. Ông đã chỉ ra những nguyên tắc về phương pháp chiến đấu của lực lượng vũ trang trong thời kỳ nổi dậy, cơ cấu và tính chất của lực lượng vũ trang. Chiến thuật du kích của ông đã giúp quân Việt Minh gây thiệt hại nặng nề cho kẻ địch.

Ông nhấn mạnh chiến thắng là “cuộc nổi dậy của toàn dân, phối hợp với tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng.”

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin về chiến tranh cách mạng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Nhận thấy sự cần thiết của sự ủng hộ từ đa số nhân dân, ông đảm bảo việc bảo vệ quyền con người, các quyền dân sự, tài sản, tôn trọng tài sản cá nhân, tự do tín ngưỡng, cũng như sự bình đẳng các dân tộc và giới tính.

Hồ Chí Minh đã có được sự ủng hộ của nhiều địa chủ trong sự nghiệp chống chủ nghĩa đế quốc bằng cách đảm bảo an toàn tài sản cho họ. Mặt trận Dân tộc Thống nhất của Hồ Chí Minh bao gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành phố, thậm chí cả giải cấp tư sản dân tộc và cả những người yêu nước thuộc giai cấp địa chủ. Khả năng đoàn kết nhân dân vì cuộc cách mạng và độc lập dân tộc của ông thật đáng khâm phục.

Là một nhà chiến lược khôn ngoan, Hồ Chí Minh đã chờ đợi thời cơ để khởi nghĩa giành độc lập. Ông biết rằng Nhật Bản và Pháp rốt cuộc cũng sẽ chiến đấu và làm kiệt quệ lẫn nhau.

Tháng 3/1945, Nhật Bản đánh chiếm Đông giương, bắt giam hoặc hành quyết nhiều quan chức Pháp. Sáu tháng sau, Mỹ ném bom xuống Nhật Bản, ép buộc Nhật Bản đầu hàng.

Nhân cơ hội này, Hồ Chí Minh đã phát động khởi nghĩa. Trước tháng 8/1945, theo lệnh của Hồ Chí Minh, Tướng Võ Nguyên Gíap đã thành lập các đơn vị đặc biệt, hành quân theo hướng tiến vào Hà Nội.

Sau khi quân Nhật đầu hàng, ngày 19/8, các đơn vị này đã tiến vào Hà Nội. Vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị ủng hộ cách mạng. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập.

Sau đó, chính phủ Việt Nam tiếp tục đàm phán với người Pháp nhưng không đạt được thành công. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất nổ ra và tới năm 1954 quân Pháp mới bị đánh bại, Bắc Việt Nam độc lập ra đời.

Các cuộc bầu cử ở hai miền đã bị hoãn vô thời hạn và tiếp tục cuộc chiến với Mỹ. Hồ Chí Minh cũng đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao quốc tế. Ông đã đến Moskva và Bắc Kinh (1955), New Dehli và Jakarta (1958), duy trì sự cân bằng giữa các đồng minh cộng sản hùng mạnh một cách khôn khéo; thậm chí, trong hành trình đến Moskva hồi năm 1960, ông đã đóng vai trò hoà giải giữa các bên.

Khi hai miền độc lập sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục có ảnh hưởng sau khi qua đời. Con đường tiếp tế cho miền Nam được đặt tên là đường mòn Hồ Chí Minh.

Đóng góp của Hồ Chí Minh cho nền độc lập và thống nhất hai miền là vô cùng to lớn. Những đóng góp của Người sẽ luôn luôn được ghi nhớ.

Hồ Chí Minh là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà hoạch địch chiến lược trong cùng một con người. Ông đã vận dụng khéo léo chủ nghĩa Marx-Lenin vào thực tiễn của Việt Nam, sáng lập Đảng vững mạnh lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong mọi giai đoạn của cuộc đấu tranh và quân đội nhân dân với vai trò mũi nhọn cách mạng.

Cuộc cách mạng tháng Tám đem lại độc lập cho Việt Nam là sản phẩm của trí tuệ Hồ Chí Minh. Sự vĩ đại của ông không chỉ giới hạn trong lãnh đạo cuộc cách mạng, mà còn tiếp sức cho nhân dân Việt Nam trước những thử thách đối với đất nước. Ông thật sự là một nhà lãnh đạo có thể biến tầm nhìn trở thành hiện thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục