Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Washington.
Theo tiến sỹ Pankaj Jha (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược an ninh, Đại học toàn cầu OP Jindal, Ấn Độ), việc bà Kamala Harris chọn Singapore và Việt Nam cho chuyến thăm đầu nhiệm kỳ cho thấy tầm quan trọng của các quốc gia này trong khu vực, gắn liền với những lợi ích của phía Hoa Kỳ.
VietnamPlus xin giới thiệu bài viết, được đăng trên trang mạng Modern Policy.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã trải qua quá trình thay đổi theo chiều hướng tích cực - từ giữa những năm 1970 đến đầu năm 2021. Hai nước đã nhận ra nhu cầu hợp tác trong nhiều lĩnh vực như an ninh khu vực, các vấn đề hàng hải, thương mại, hợp tác quốc phòng và công nghệ.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris diễn ra vào thời điểm Liên Hợp Quốc đang thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải và duy trì trật tự quốc tế trên biển.
Sau chuyến thăm tới Singapore, Phó Tổng thống Kamla Harris đã tới thăm Hà Nội nhằm củng cố lợi ích của Hoa Kỳ tại hai quốc gia được coi là trục lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm Singapore, bà Harris được kỳ vọng sẽ tăng cường cam kết với quốc đảo và phát triển năng lực của Mỹ về cơ sở vật chất và thúc đẩy các lợi ích kinh tế và y tế tại Singapore.
Bản thân Singapore đang phải đối mặt với tình trạng đóng cửa vì đại dịch COVID-19 và nền kinh tế nước nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do suy thoái sắp xảy ra.
Trong hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN, Washington đã hứa sẽ hỗ trợ y tế và phát triển năng lực y tế ở một số quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đã đến thăm Việt Nam với những mục đích khác nhau nhưng qua các đánh giá quốc phòng 4 năm đều cho thấy rằng Việt Nam được coi là điểm đến quan trọng và là đối tác có khả năng thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã rất chú trọng đến việc phát triển quan hệ quân sự với Việt Nam và quan tâm đến việc tiến hành các cuộc tập trận song phương với các quốc gia ven biển ở Biển Đông.
Ngoài ra, cũng có thể thấy rằng với việc quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang suy giảm, Hoa Kỳ sẽ quan tâm đến việc nghiên cứu khả năng thiết lập các nhà máy và cơ sở sản xuất công nghiệp ở Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm khả năng xuất khẩu vaccine COVID-19 sang Việt Nam, bao gồm cả vaccine có thể tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi.
Với mục đích nghiên cứu, Hoa Kỳ sẽ thu thập các mẫu vật khác nhau từ các nước châu Á liên quan đến biến thể Delta để phát triển các loại vaccine hữu hiệu hơn trong tương lai.
[Nhà Trắng ra thông cáo về quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ]
Phó Tổng thống Harris nhiều khả năng sẽ công bố những hộ trợ liên quan vấn đề chất độc da cam, đề nghị Việt Nam hỗ trợ trong việc tìm kiếm các phi công và binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam cũng như có thể nghiên cứu việc xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng của Mỹ cho Việt Nam.
Mỹ cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai các hoạt động bay không người lái để thực hiện giám sát ở Biển Đông và với sự trải rộng của các đảo do Việt Nam kiểm soát, Hoa Kỳ sẽ nghiên cứu khả năng được phép vận hành các máy bay không người lái từ các đảo của Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm thỏa thuận chia sẻ hậu cần, tương tự thỏa thuận đã ký với Ấn Độ, đồng thời cũng đang tìm kiếm thỏa thuận hợp tác công nghệ và thương mại quốc phòng.
Liên quan đến thông tin thương mại hàng hải và đào tạo, huấn luyện, cảnh sát biển Việt Nam tuần tra biên giới trên biển cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự.
Phó Tổng thống Harris quan tâm đến việc phát triển, thiết lập thông tin liên lạc quân sự mã hóa với Việt Nam để nắm thêm thông tin về các hoạt động và diễn tập của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông mà trong và xung quanh Vịnh Thái Lan. Hoa Kỳ có thể muốn Việt Nam nắm bắt thêm về các hoạt động của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia.
Có thể thấy rằng với việc Đài Loan (Trung Quốc) ngày càng chịu nhiều sức ép vì ngành công nghiệp bán dẫn, Hoa Kỳ đang tìm kiếm các địa điểm khác để xây dựng cơ sở chế tạo chip.
Trước đây, có thể thấy rằng với việc Mỹ rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, đã có một số vấn đề nhất định trong việc vận hành Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 thành viên còn lại. Hoa Kỳ cũng sẽ đưa ra một đề xuất liên quan đến các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt và các thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ.
Đã có nhiều cuộc thảo luận liên quan đến việc Việt Nam được đưa vào thỏa thuận “Bộ Tứ +” cùng với Hàn Quốc và New Zealand cũng như Hoa Kỳ đang đưa ra một đề xuất lớn về Mạng lưới điểm xanh và sẽ hối thúc Việt Nam tham gia xây dựng thế giới tốt đẹp hơn (B3W), một sáng kiến do các nước G7 thực hiện.
Hoa Kỳ rất nghiêm túc đối với vấn đề tự do hàng hải và hoạt động vận tải ở Biển Đông và sẽ thúc giục Việt Nam thực hiện các cuộc tuần tra chung cùng với Nhật Bản và Hoa Kỳ để ngăn chặn các hoạt động thám hiểm của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Phó Tổng thống Hoa Kỳ được coi là tiền đề quan trọng cho sự gắn kết cao hơn nữa giữa hai nước.
Phó Tổng thống Kamala Harris hết sức mong muốn nâng cấp từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược và mong muốn Việt Nam tạo điều kiện nâng cấp trụ sở đại sứ quán và phát triển văn phòng tùy viên quốc phòng tại hai nước để thúc đẩy quan hệ và các chuyến thăm chính thức cũng như tiếp xúc thường xuyên giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Có thể thấy rằng Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn và khả năng tiếp cận thị trường đối với các mặt hàng hải sản xuất khẩu đóng gói trong đó có cá da trơn và hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Phó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ đưa ra lời kêu gọi phối hợp để Việt Nam tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận thương mại giữa hai nước, tương tự như thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và EU đã có hiệu lực từ tháng 8 năm nay.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Việt Nam và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm các chuyến ghé cảng thường xuyên của các tàu Hoa Kỳ tới Việt Nam và việc triển khai các lực lượng vũ trang trong các khóa học quốc phòng cấp cao ở mỗi nước.
Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đưa ra tuyên bố liên quan đến việc củng cố vai trò trung tâm của châu Á và cam kết hỗ trợ Việt Nam liên quan đến an ninh hàng hải và duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Hoạt động này diễn ra sau cuộc họp có sự tham gia của hai nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hoa Kỳ sẽ nâng cao quan điểm thực tế rằng Việt Nam là một trong những bên có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và do đó Hoa Kỳ cần hợp tác và hỗ trợ trong đối phó với đại dịch và nâng cấp các công nghệ quan trọng trong lĩnh vực an ninh mạng, thương mại kỹ thuật số và hội nhập Việt Nam vào các sáng kiến chuỗi cung ứng rộng lớn hơn.
Một trong những mục đích của chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là thúc đẩy quan hệ giáo dục và đào tạo giữa hai quốc gia. Điều này sẽ giúp các trường đại học tại Hoa Kỳ thành lập các chi nhánh trên khắp Việt Nam và cũng giúp phát triển các liên kết kinh doanh.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, một hướng dẫn chiến lược tạm thời được ban hành vào tháng 3/2021, trong đó nêu rõ rằng Việt Nam và Singapore là các đối tác quan trọng trong nâng cao năng lực và đảm bảo an ninh khu vực, đặc biệt trong vấn đề an ninh hàng hải và thực thi pháp luật trên biển.
Trong bối cảnh cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đều quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao tại Việt Nam, do đó, một thỏa thuận ba bên có khả năng được ký kết giữa ba nước.
Trong các cuộc họp ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất thành lập các đơn vị cấp cứu y tế và các trung tâm điều phối cùng với việc tạo ra một mạng lưới các cơ quan nghiên cứu và Hoa Kỳ tỏ ra rất quan tâm tới các đề xuất của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Mặc dù chuyến thăm này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng sẽ gây được tiếng vang trong việc hỗ trợ Việt Nam thông qua việc thành lập Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh do Hoa Kỳ tài trợ và Hà Nội có thể được hưởng lợi ngay khi bắt đầu sáng kiến y tế cộng đồng này với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bà Kamala Harris sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời cũng sẽ đề xuất Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại và công nghệ quốc phòng./.