Học giả Mỹ: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ

Theo ông Fredrik Logevall, giáo sư Đại học Harvard, hiện tại đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt.
Giáo sư Fredrik Logevall trả lời phỏng vấn về quan hệ Việt Nam-Mỹ. (Ảnh: Minh Nga/Vietnam+)

Có nhiều lý do "hấp dẫn" để Mỹ và Việt Nam thiết lập mối quan hệ tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế vốn đem lại lợi ích cho cả hai nước và cả lĩnh vực địa chính trị.

Đó là nhận định của vấn ông Fredrik Logevall, Giáo sư Trường đại học Harvard trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York trước thềm sự kiện Tổng thống Donald Trump tham dự hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng và thăm một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo giáo sư Logevall, không có lý do gì mà Hoa Kỳ và Việt Nam không thể thắt chặt mối quan hệ. Tác giả 4 cuốn sách viết về Việt Nam, trong đó có cuốn “Lửa đạn chiến tranh” (Embers of War) giành giải Pulitzer năm 2014, nhấn mạnh rằng dưới góc nhìn của một sử gia không tham gia các hoạt động chính trị, ông cho rằng nếu như giải quyết được một số vấn đề tồn đọng như di sản chiến tranh hay sự sự khác biệt xung quanh những tiêu chuẩn về quyền con người, quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện rất nhanh chóng.

Còn nếu như ông là một chính khách làm việc ở thủ đô Washington, ông sẽ xác định Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á vì đây là "một nền kinh tế trẻ, năng động, tăng trưởng nhanh và có vị trí địa lý quan trọng."

[Quan hệ Việt -Mỹ bước vào kỷ nguyên mới của sự hợp tác]

Về chuyến viếng thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Donald Trump, Giáo sư Lovegall cho rằng đây là một diễn biến tích cực nữa trong chuỗi tiến triển trong quan hệ hai nước, khởi đâu là quyết định của Tổng thống Bill Clinton gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam cách đây hơn 20 năm và gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama năm 2016.

Theo ông, hiện tại đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa để thúc đẩy quan hệ Mỹ Việt và ông hy vọng các nhà lãnh đạo hai nước chớp lấy cơ hội này để thực sự gác lại quá khứ và hướng tới tương lai.

Ông dự đoán các vấn đề thương mại song phương, quốc phòng, an ninh hàng hải trên Biển Đông và vấn đề Triều Tiên sẽ là những nội dung chính được thảo luận khi Tổng thống Mỹ gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.

Nhìn lại lịch sử quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam, Giáo sư Lovegall lưu ý quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vô cùng phức tạp và đầy khó khăn, song vào giai đoạn nào thì ở cả hai phía đều có những người muốn thúc đẩy quan hệ song phương.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất muốn có quan hệ tốt với Mỹ. Hồ Chủ tịch đã có thời gian sống ở Boston và New York, do đó Hồ Chủ tịch hiểu rằng nước Mỹ được thành lập từ một thuộc địa của Anh. Do vậy, Hồ Chủ tịch tin rằng trong cuộc chiến giành độc lập và tự do từ Pháp, Việt Nam có thể dựa vào sự ủng hộ của Mỹ.

Về phía Mỹ, trong quá khứ cũng đã có những nhà lãnh đạo nói rằng không có lý do gì mà không thiết lập quan hệ tốt với Hà Nội. Đặc biệt là Tổng thống Frankly Rosservelt trước Chiến tranh Thế giới II đã có ý tưởng thiết lập quan hệ với người Việt Nam và không để cho Pháp biến Việt Nam cũng như toàn bộ khu vực Đông Dương trở lại làm thuộc địa của mình.

Đáng tiếc là vào thời gian đó những ý kiến như vậy không thắng thế trên chính trường Mỹ, và rốt cuộc Washington đã ủng hộ người Pháp và sau khi người Pháp thất bại thì nước Mỹ đã sa vào cuộc xâm lược vô nghĩa ở miền Nam Việt Nam.

Giáo sư bày tỏ tin tưởng cả hai phía đều rút ra được những bài học từ lịch sử. Ông nhấn mạnh rằng chính những ký ức chung trong quá khứ sẽ "giúp hai nước biết được chúng ta là ai và chúng ta nên chọn hướng đi nào. Mỹ và Việt Nam hiểu rằng cần phải khép lại quá khứ, cần phải hiểu tại sao chiến tranh lại xảy ra, cần vượt qua những di sản của chiến tranh, và cùng xác định xem hai nước cần làm gì để hợp tác với nhau trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế"./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục