Học giả Mỹ quan ngại về tranh chấp tại biển Đông, Hoa Đông

Học giả CFR của Mỹ cho rằng tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông là “vấn đề cấp bách” đối với Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước còn lại của thế giới.
Máy bay lực lượng phòng vệ biển của Nhật bay qua ADIZ mà Trung Quốc công bố trên biển Hoa Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các học giả thuộc “Hội đồng quan hệ đối ngoại” (CFR) của Mỹ mới đây đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các tranh chấp lãnh thổ leo thang giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Các học giả CFR cho rằng những căng thẳng do sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về xung đột vũ trang và khả năng thực hiện những cam kết an ninh của Washington trong chiến lược tái cân bằng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn quan điểm của một số học giả CFR, nhấn mạnh các tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông là “vấn đề cấp bách” đối với Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước còn lại của thế giới.

Đây là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nơi hội tụ của nhiều nền kinh tế năng động nhất thế giới cùng một tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng đối với nguồn cung năng lượng và các hàng hóa khác.

Theo các học giả Mỹ, với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc có điều kiện gia tăng năng lực quân sự và sự quyết đoán tại cả hai vùng biển Đông và biển Hoa Đông, đổi lại các bên tranh chấp khác ở khu vực cũng tăng cường năng lực quốc phòng và tỏ thái độ sẵn sàng hơn cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Bên cạnh đó, chính sách “xoay trục” của Mỹ ở châu Á với những hoạt động ngoại giao và tái bố trí quân sự có thể báo hiệu vai trò ngày càng lớn của Washington trong các tranh chấp này.

Bà Sheila Smith, thành viên cao cấp nghiên cứu Nhật Bản của CFR, cảnh báo nếu không được xử lý một cách khôn ngoan, các tranh chấp có thể biến một phần vùng biển với các tuyến đường thương mại năng động trở thành đấu trường của cuộc xung đột.

Bà cảnh báo: "Nếu có việc sử dụng vũ lực giữa Nhật Bản và Trung Quốc thì đây sẽ có thể là một cuộc xung đột toàn diện giữa hai người khổng lồ châu Á. Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật sẽ tự động kích hoạt hay nói cách khác Mỹ sẽ tự động can dự."

Theo Chủ tịch CRF, ông Richard Haass, các diễn biến gần đây đang đưa đến một tình thế tiến thoái lưỡng nan “tinh tế” cho chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông cho rằng: "Mối nguy hiểm chính là châu Á của thế kỷ 21 có thể bắt đầu đi theo con đường của châu Âu thế kỷ 20"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục