Trong bối cảnh đa số người dân Mỹ ủng hộ việc thay đổi chính sách với Cuba và việc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiến hành đối thoại với Cuba để hướng tới ký Hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Mỹ Latinh Ted Piccone thuộc Viện Brookings của Mỹ đã đưa ra các khuyến nghị giúp chính quyền Tổng thống Barack Obama thúc đẩy quan hệ với quốc đảo vùng Caribe này.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn ý kiến của ông Piccone cho rằng hiện tại là thời điểm thích hợp để ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đẩy mạnh các bước đi tăng cường quan hệ với Cuba sau khi đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với La Habana, trong đó có việc mở rộng đi lại và khơi thông dòng kiều hối gửi về Cuba, từ năm 2009.
Theo học giả Piccone, chính phủ Mỹ cần hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển mạnh ở Cuba, cho phép các công ty của Mỹ cung ứng dịch vụ, hàng hóa sang thị trường Cuba đồng thời hỗ trợ Cuba phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong một số lĩnh vực được phép như xây dựng, bất động sản, thực phẩm, nước giải khát.
Ngoài ra, Washington cũng cần nới lỏng hơn nữa chính sách tài chính và thương mại song phương, trong đó có việc nâng mức trần tiền mặt và quà tặng mà người Mỹ không phải gốc Cuba có thể gửi đến quốc đảo này, loại bỏ mức trần chi tiêu hàng ngày đối với công dân Mỹ đi du lịch Cuba, gỡ bỏ lệnh cấm sử dụng thẻ tín dụng cũng như các dịch vụ ngân hàng của Mỹ ở Cuba.
Cũng theo khuyến nghị của ông Piccone, Nhà Trắng nên cân nhắc việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố và thực thi chính sách tiếp tục mở rộng hợp tác song phương về các vấn đề cùng quan tâm như di trú, du lịch, chống khủng bố, chống buôn lậu, bảo vệ môi trường và phát triển thương mại, đầu tư.
Dư luận cho rằng gần đây đã xảy ra một số động thái tác động tới cách nhìn nhận của Mỹ về vấn đề Cuba. Nổi lên là việc EU quyết định triển khai tiến trình đàm phán hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tới La Habana trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC).
Ngoài ra, kết quả cuộc thăm dò do trung tâm nghiên cứu Atlantic Council tiến hành cũng cho thấy đa số người dân Mỹ ủng hộ thay đổi chính sách với Cuba./.