Học giả lật tẩy kế hoạch tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông

Một trong những cách thức tưởng chừng vô hại nhất để tuyên truyền về chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể ở Biển Đông là sử dụng quà lưu niệm, các mặt hàng quần áo như áo phông để quảng bá.
Học giả lật tẩy kế hoạch tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông ảnh 1Trung Quốc tài trợ cho bộ phim "Abominable" do hãng Dream Works sản xuất, trong đó có "cài cắm" bản đồ hình lưỡi bò phi pháp.

Tuyên truyền là công cụ trọng tâm của Trung Quốc nhằm tạo ra niềm tin mạnh mẽ rằng nước này là cường quốc trên toàn cầu, cũng như "tẩy trắng" nhiều sự thật liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ở các vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Đông. Đây là nhận định của Tiến sỹ Vijay Sakhuja đăng trên trang trạng của Viện nghiên cứu quốc tế Kalinga.

"Trung Quốc cũng đã phát triển một bộ công cụ tuyên truyền hoàn thiện nhằm phô trương năng lực quốc gia cho khán giả quốc tế, mà Trung Quốc đã dày công sắp xếp các thể chế chính trị, ngoại giao, kinh tế, chiến lược và văn hóa cho phù hợp để khuếch đại thành tựu: những thành công trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát nhờ ngoại giao y tế, Sáng kiến Vành đai Con đường nhằm thể hiện khả năng phát triển cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số để quảng bá về sức mạnh công nghệ, ngoại giao di sản du lịch Con đường Tơ lụa để tuyên truyền về sức mạnh mềm...

Để hiểu rõ về cách thức tuyên truyền của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, việc xem xét một số bộ công cụ tuyên truyền trên là cần thiết.

Có lẽ một trong những cách thức tưởng chừng vô hại nhất để tuyên truyền về chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể ở Biển Đông là sử dụng quà lưu niệm, vật lưu niệm, bưu thiếp, các mặt hàng quần áo như áo phông để quảng bá. Hàng hóa và những đồ vật này sẽ được phân phối trong và ngoài nước.

Trong số này, quả địa cầu sử dụng trong giáo dục, giảng dạy có thể hiện đường chín đoạn ở Biển Đông là của Trung Quốc. Và với vị trí là nhà sản xuất quả địa cầu phục vụ giáo dục, giảng dạy hàng đầu, những sản phẩm trên đang được sử dụng trong các trường học trên toàn thế giới.

[Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc củng cố yêu sách trên Biển Đông]

Liên quan vấn đề bản đồ, Trung Quốc đã bắt đầu in một tấm bàn đồ khác trên các công hàm để khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.”

Ngoài ra, một bản đồ do nhà xuất bản SinoMap Press chịu trách nhiệm xuất bản có “đường mười đoạn, bổ sung thêm một đoạn xung quanh Đài Loan” để “khẳng định tuyên bố về một nước Trung Quốc thống nhất.”

Trung Quốc cũng phát hành nhiều trò chơi điện tử về Biển Đông và có ít nhất một bộ phim hoạt hình mang tên “Abominable” do hãng DreamWorks sản xuất có một cảnh chiếu bản đồ bao gồm đường chín đoạn ở Biển Đông do Trung Quốc đơn phương tuyên bố.

Rõ ràng bộ phim đã nhận được những chỉ trích gay gắt, các cơ quan chức năng ở Việt Nam, Philippines, Malaysia đã cắt cảnh này sau kiểm duyệt.  

Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với Philippines của Trung Quốc nhằm ứng phó với dịch COVID-19 gần đây đã phản tác dụng sau khi “nhiều người Philippines nhận thấy lời bài hát cho thấy hàm ý đằng sau của Bắc Kinh là khẳng định các tuyên bố chủ quyền đối với vùng tranh chấp trên Biển Đông.” Đoạn phim này đã nhận được 100.000 lượt “không thích” trên trang YouTube.

Biện pháp tuyên truyền thứ hai là khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong lòng người dân thông qua du lịch tàu biển từ cái gọi là "Thành phố Tam Sa" đến Biển Đông. Mặc dù chuyến du thuyền này có chi phí rất cao, song vẫn được ưa chuộng bởi nó được cho là vừa thư giãn, vừa thể hiện lòng yêu nước.

Thứ ba, cộng đồng học giả Trung Quốc cũng hỗ trợ công tác tuyên truyền. Họ đã xuât bản tới 260 bài báo trên 20 tạp chí khoa học “nổi tiếng” để củng cố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tương tự, học giả từ các viện nghiên cứu chiến lược Trung Quốc tích cực bảo vệ lập trường đường chín đoạn của Trung Quốc tại các hội nghị quốc tế về Biển Đông trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu chiến lược này cũng thiết lập biên bản ghi nhớ học thuật song phương với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu chiến lược trên toàn cầu.

Trong một số trường hợp, những trung tâm này được biết là đã hỗ trợ tài chính cho các hoạt động học thuật và nghiên cứu. Theo một học giả Đài Loan (Trung Quốc), loại hành động này phục vụ hai mục đích, đó là “tiếp cận cộng đồng quốc tế và tuyên truyền rằng Trung Quốc đã có được toàn bộ Biển Đông mãi mãi,” đồng thời để “giáo dục lòng yêu nước của người dân trong nước.”

Thứ tư, Trung Quốc đã thành lập các trung tâm nghiên cứu chiến lược về nghiên cứu Biển Đông để lấp đầy khoảng trống về kiến thức hàng hải (luật pháp, ngoại giao, an ninh, chiến lược...) và giải quyết tình trạng thiếu hụt “nhân lực có trình độ chuyên môn trong đối thoại và hợp tác hàng hải quốc tế”. Biện pháp này cũng nhằm khơi dậy “ý thức về biển” trong cộng đồng người dân Trung Quốc.

Năm 1996, Trung Quốc thành lập Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia (NISCSS) tại Hải Nam, trực thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Quản lý Đại dương Nhà nước Trung Quốc. Tương tự, Trung tâm Sáng kiến Hợp tác Nghiên cứu Biển Đông (CICSCSS) có trụ sở tại Đại học Nam Kinh đã được thành lập vào năm 2012.

Các trung tâm nghiên cứu kể trên có nhiều học giả và chuyên gia nước ngoài làm việc một phần các bộ phận chính quy hoặc đảm nhiệm vị trí phụ tá. Họ có thể là những người phát ngôn không chính thức tiềm năng bảo vệ chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua các bài viết và ấn phẩm của họ.

Thứ năm, Trung Quốc đã sử dụng hiệu quả các phương tiện điện tử/không gian mạng/ấn phẩm để củng cố tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông. Đó là sự kết hợp giữa các tuyên bố chính thức về khẳng định các quyền lịch sử trên Biển Đông với tăng cường “phân phối hàng hóa công cộng” vì an toàn lưu thông hàng hóa trên biển và hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân hoạt động trong khu vực.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc không chỉ khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông thông qua phát triển cơ sở hạ tầng quân sự tại các khu vực tranh chấp, mà còn có một chiến lược tuyên truyền tinh vi để biện minh cho “chủ quyền lịch sử” của nước này đối với đường chín đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục