Học giả Đức nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức

Theo Giáo sư Thomas Engelbert, quan hệ Đức-Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN)

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam từ ngày 13-14/11, phóng viên TTXVN tại Đức đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sỹ Thomas Engelbert - Đại học Tổng hợp Hamburg về mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam trong thời gian qua cũng như triển vọng thời gian tới.

Theo Giáo sư Thomas Engelbert, quan hệ Đức-Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, cũng là quốc gia châu Âu đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước không ngừng tăng trong những năm qua, nhất là từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.

Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp Đức đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Theo Giáo sư Engelbert, mặc dù tổng giá trị đầu tư của Đức vào Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước tại châu Á, nhưng xu hướng phát triển là rất tốt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Đức và Việt Nam cũng có sự hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, phát triển các nguồn năng lượng sạch, hợp tác về văn hóa, giáo dục-đào tạo, hợp tác phát triển...

Giáo sư Engelbert nhấn mạnh rằng thực tế, cả hai nước có nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn và mở rộng hợp tác ra nhiều lĩnh vực.

Về chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Việt Nam, Giáo sư Engelbert cho rằng chuyến thăm này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mối quan hệ song phương.

[Đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức ngày càng phát triển]

Theo ông, chuyến thăm xuất phát từ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Chính phủ Đức đã công bố từ năm 2020, cũng như chủ trương tăng cường đa dạng hóa quan hệ đối tác trong khu vực, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Giáo sư Engelbert đánh giá Trung Quốc hiện vẫn là đối tác quan trọng nhất của Đức trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng trong bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn, việc đa dạng hóa các mối quan hệ là mục tiêu hết sức quan trọng và ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là đối tác quan trọng của Đức.

Giáo sư Engelbert đánh giá, thông qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Scholz, Đức mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm khai thác tối đa lợi thế của mỗi nước.

Ông cũng nhận định các doanh nghiệp Đức hiện rất quan tâm tới thị trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và mong muốn thâm nhập sâu hơn.

Theo giáo sư Engelbert, chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy sự tin cậy chính trị hơn nữa giữa hai nước, tạo đà cho mối quan hệ song phương ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Về những kết quả phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, Giáo sư Engelbert nhấn mạnh rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả rất ấn tượng.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao, dự kiến gần 8% trong năm nay.

Với chính sách chống COVID-19 đúng đắn, nền kinh tế Việt Nam được khôi phục rất nhanh, các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại hoạt động khi đại dịch lắng dịu và  Việt Nam cũng tránh được cuộc khủng hoảng bất động sản lớn như đang xảy ra ở những nước khác.

Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp cứu trợ và khôi phục lại hoạt động kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong những năm qua cũng phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn hiện nay, nhiều quốc gia đang tích cực triển khai chính sách đa dạng hóa quan hệ, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, thương mại nhằm tránh phụ thuộc lớn vào một đối tác, một thị trường duy nhất và Việt Nam cùng với một số quốc gia khác trong khu vực được hưởng lợi từ xu thế này. 

Giáo sư Engelbert cũng cho rằng trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hệ thống giáo dục-đào tạo, nhất là đào tạo đại học và đào tạo nghề để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cho nền kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển nội tại của nền kinh tế.

Việt Nam cũng nên triển khai những chính sách thu hút đầu tư hợp lý để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các quốc gia khác.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa chất lượng quản lý kinh tế để góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Giáo sư Engelbert khẳng định: "Nếu Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển đúng đắn như những năm vừa qua, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa"./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục