Học giả Anh khẳng định ĐCS Việt Nam đang phát huy di sản của các thế hệ đi trước

Học giả Anh nhận định di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục được phát huy trong công tác xây dựng Đảng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ông Kyril Whittaker đại diện Đảng cộng sản Anh ghi sổ tang tại Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Ông Kyril Whittaker đại diện Đảng cộng sản Anh ghi sổ tang tại Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng Đảng và đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ông Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh (CPB) đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh.

Ông Kyril Whittaker cho rằng quá trình học tập và việc kinh qua nhiều vị trí công tác đã giúp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tích lũy những kiến thức và kinh nghiệm để đảm trách vai trò lãnh đạo.

Học giả Anh nhận định di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục được phát huy trong công tác xây dựng Đảng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ông Whittaker cho rằng cam kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong các bài phát biểu nhậm chức cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp thu di sản của các thế hệ lãnh đạo và lý luận trước đây, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trường Chinh, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo truyền thống Cách mạng Việt Nam.

Đề cập tới cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam, ông Whittaker tin rằng cuộc chiến này sẽ tiếp tục được thực hiện tích cực và hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Học giả Anh cho rằng là người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều kinh nghiệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục xử lý nạn tham nhũng ở mọi cấp một cách hiệu quả và tích cực, đảm bảo sự kiên định của Đảng trong việc tuân thủ đạo đức cách mạng.

Ông Whittaker cho biết chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam và tác động của chiến dịch này thực sự gây ấn tượng với nhiều bạn bè quốc tế.

ttxvn_to_lam.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bình luận về 5 ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu bật, học giả Anh cho rằng những ưu tiên này thể hiện đặc điểm của chính sách ngoại giao cây tre của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển,” tạo nên các quan hệ đối tác mới trong đó đôi bên cùng có lợi, dựa trên lòng tin và hợp tác hòa bình, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, quốc phòng và hệ tư tưởng chính trị của Việt Nam.

Bàn về việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII theo đó phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, ông Whittaker nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu này khi nền kinh tế đất nước và đời sống người dân liên tục được cải thiện qua từng năm.

Theo ông Whittaker, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như tuyến metro Hà Nội hay các tuyến đường mới, cùng các dự án xây dựng ở vùng nông thôn giúp tăng cường kết nối, vận chuyển hàng hóa không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi quốc tế, thúc đẩy thương mại, mở ra các thị trường mới cùng các thị trường hiện có.

Học giả Anh nhấn mạnh không giống ở một số quốc gia - nơi tăng trưởng kinh tế được đặt trên lợi ích của người dân, dẫn đến mức sống của người dân giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được nhờ chính sách xuyên suốt đặt người dân lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm trong nền chính trị và kinh tế của đất nước.

Theo ông Whittaker, điều này cũng được khẳng định trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong đó khẳng định: “Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc,” “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu."

Ông Whittaker đánh giá bài viết là bản tóm tắt chi tiết về lộ trình cho Việt Nam trong những năm tới, trong đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ những thách thức trong nước cũng như trên thế giới, khuyến khích Đảng duy trì truyền thống cách mạng, tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh - kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối Đổi mới của Đảng lấy nhân dân làm trung tâm.

Học giả Anh lưu ý bài viết chỉ ra sự kiên định của tân Tổng Bí thư trong việc phát huy truyền thống của Đảng, giữ vững đạo đức cách mạng, lấy dân làm gốc, khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của đạo đức cách mạng "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng..." và "Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát quyền lực với làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục