Việt Nam đang đóng một vai trò chủ động và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP).
Đây là đánh giá của phó giáo sư, tiến sỹ Faisal Ahmed, thuộc Trường Quản trị FORE (New Delhi, Ấn Độ), khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN ngày 25/6 về các cơ hội và triển vọng hợp tác mà RCEP sẽ mang lại cũng như vai trò của Việt Nam trong tiến trình đàm phán về hiệp định này.
Đánh giá về triển vọng Ấn Độ tham gia trở lại tiến trình đàm phán RCEP và những điều kiện để nước này quay trở lại bàn đàm phán sau khi 15 nước tham gia hiệp định đã họp trực tuyến vào ngày 23/6 để bàn khả năng đưa Ấn Độ trở lại lộ trình, phó giáo sư Faisal Ahmed cho rằng Tuyên bố báo chí của Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán RCEP lần thứ 10 đã nhấn mạnh rằng RCEP vẫn để ngỏ cánh cửa cho Ấn Độ.
Theo phó giáo sư Faisal Ahmed, trước đó đã có một số lo ngại về việc Ấn Độ không tham gia RCEP.
Một số yêu cầu của Ấn Độ bao gồm áp dụng cơ chế kích hoạt tự động để kiểm soát sự gia tăng đột biến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đạt thỏa thuận tốt hơn về dịch vụ và áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt về Quy tắc xuất xứ.
Nhưng sau đó, trở ngại quan trọng nhất khi tham gia RCEP là sức ép từ ngành công nghiệp của Ấn Độ, vốn lo ngại nguy cơ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường và tác động tiêu cực đến họ.
Đến nay, mối quan ngại vẫn còn. Bởi vậy, cần chờ xem RCEP có thể làm gì để giải tỏa mối quan ngại này.
Ngoài ra, cũng có một số cân nhắc về địa kinh tế. Ấn Độ đang nhắm đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng điều này khó xảy ra trong năm nay mà chỉ có thể diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ấn Độ sẽ ở vào một vị thế tốt hơn trong việc xem xét tái tham gia RCEP chỉ sau khi có kết quả bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Phó giáo sư Faisal Ahmed cho rằng tham gia RCEP sẽ có lợi cho Ấn Độ. Điều này cũng sẽ tạo cú hích cho chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ.”
Hơn nữa, Ấn Độ đã có các thỏa thuận thương mại với ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn sẽ giúp Ấn Độ đạt được những lợi ích sâu sắc hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong việc xúc tiến RCEP trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, phó giáo sư Faisal Ahmed cho rằng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Việt Nam đảm nhận có chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng," Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường hội nhập khu vực cũng như trong việc tạo ra một môi trường gắn kết trong ASEAN để thích ứng và thúc đẩy thời đại công nghiệp 4.0.
Hơn nữa, ngoài ASEAN, Việt Nam cũng đang đóng vai trò kinh tế và chiến lược then chốt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
[Ký kết RCEP sẽ góp phần khôi phục kinh tế khu vực sau dịch COVID-19]
Trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã chủ trì hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán RCEP. Vì vậy, Việt Nam đã và đang đóng một vai trò chủ động và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán RCEP.
Khi các nước tham gia đàm phán hy vọng có thể ký RCEP vào cuối năm nay, chuyên gia Faisal Ahmed cho rằng hiện chưa có một thời hạn cụ thể. Nếu thỏa thuận được ký trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, mọi chuyện sẽ rõ ràng. Nhưng nếu không được ký trước tháng 11/2020, rất có thể thỏa thuận sẽ không được ký trong năm nay.
Lý do là nếu Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền, Mỹ sẽ muốn tham gia các thỏa thuận song phương với một số thành viên đàm phán, trong đó có cả thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Trung Quốc.
Mỹ cũng có thể sửa đổi các hiệp định thương mại song phương hiện có giống như hiệp định với Hàn Quốc. Điều này sẽ làm thay đổi các động lực kinh tế trong khu vực.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư Faisal Ahmed, nếu đảng Dân chủ lên cầm quyền ở Mỹ, rất có khả năng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được xem xét lại, và nhiều quốc gia tham gia đàm phán RCEP cũng là những thành viên trong CPTPP như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Malaysia, Việt Nam và các nước khác khi đó có thể nhận được thỏa thuận tốt hơn trong CPTPP so với những gì RCEP sẽ mang lại cho họ.
Vì vậy, nếu không được ký kết trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, RCEP khó có khả năng được ký trong năm nay, và có thể là cả trong năm 2021./.