Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phải đối mặt với một khó khăn hiếm thấy khi dịch COVID-19 bùng phát, bên cạnh những vấn đề gai góc ở Biển Đông âm ỉ suốt nhiều năm qua. Nhưng Việt Nam đã cho thấy khả năng cũng như vị thế của mình trước những diễn biến căng thẳng trên trường quốc tế.
Tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách (Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ) nhận định như vậy trong bài viết đăng trên trang mạng The Peninsula, chuyên về nghiên cứu quốc tế.
VietnamPlus xin giới thiệu bài viết này đến với độc giả.
Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thái Lan vào tháng 11/2019 căn cứ Điều 31 Hiến chương ASEAN, theo đó các nước ASEAN luân phiên đảm nhiệm vị trí này mỗi năm.
Hà Nội đã công bố chủ đề cho năm Chủ tịch là “Gắn kết và chủ động”; trong đó “gắn kết” thể hiện nhu cầu tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, tăng cường hội nhập kinh tế, nhận thức và bản sắc ASEAN, hướng tới “một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm”; “chủ động” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo và năng lực ASEAN nhằm tận dụng cơ hội và đối phó với các thách thức từ những thay đổi trong tình hình khu vực cũng như thế giới.
Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phải đối mặt với một khó khăn hiếm thấy khi dịch COVID-19 bùng phát. Nước này đã đương đầu một cách đáng ngưỡng mộ, cụ thể là thực hiện các biện pháp cứng rắn để kiểm soát sự lây lan của virus ở nước, đồng thời tuyên bố Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) sẽ soạn thảo báo cáo về COVID-19 và đệ trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, dự kiến được tổ chức ở Việt Nam vào tháng Tư.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam kiêm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng đã xác định 5 ưu tiên chính cho năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam; không ngạc nhiên rằng 5 ưu tiên này liên quan cam kết “hòa bình, ổn định khu vực giữa các diễn biến chiến lược phức tạp."
Các tranh chấp xung quanh vấn đề biên giới như chiếm đóng bất hợp pháp, cải tạo và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông là trọng tâm của ASEAN và cũng là vấn đề quan trọng đối với vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Hiện nay, đã có thể đẩy lùi mối đe dọa từ Bắc Kinh; thể hiện qua các tuyên bố mạnh mẽ và sáng kiến hoạt động khả thi của những nước có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông về vấn đề này nhằm đấu tranh với Trung Quốc, cụ thể là thực thi pháp luật và triển khai các tàu bán quân sự.
Trong bối cảnh này, Việt Nam kỳ vọng rằng sẽ có thể tích cực theo đuổi, đóng góp thực chất vào đảm bảo hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.
Hà Nội cũng đang nỗ lực nhằm ngăn chặn đối đầu và căng thẳng leo thang hơn nữa trong các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều này có khả năng không xảy ra bởi một số vụ việc liên quan tài nguyên trên Biển Đông như đánh bắt cá, khai thác năng lượng ngoài khơi đã xuất hiện rất sớm trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
[Học giả Ấn Độ đánh giá vai trò của Việt Nam với ASEAN và HĐBA]
Đầu tiên là Indonesia và Trung Quốc. Indonesia không có yêu sách chủ quyền với bất cứ đảo hay thực thể nào trong quần đảo Trường Sa, do đó không tham gia vào tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, sự hiện diện của tàu hải cảnh nhằm hộ tống các tàu cá Trung Quốc đánh bắt tại Natuna, một phần vùng biển Indonesia - nơi Trung Quốc tuyên bố là ngư trường truyền thống, đã làm dấy lên phản ứng chính trị và quân sự từ Jakarta.
Ngoài ra, còn có sự kiện Trung Quốc triển khai tàu khảo sát địa chấn cùng nhiều tàu hộ tống vũ trang vào khu vực Bãi Tư Chính và việc Trung Quốc có hành động gây hấn với hoạt động dầu khí của Việt Nam ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Một tranh chấp ba bên khác về các hoạt động khai thác dầu khí đang xảy ra giữa Trung Quốc và Malaysia do một công ty nhà nước Malaysia có tên Petronas đang thăm dò trên thềm lục địa mở rộng của “một lô dầu khí của Malaysia trong khu vực mà Hà Nội và Kuala Lumpur cùng tuyên bố chủ quyền." Trung Quốc đã có phản ứng tương tự vụ việc Bãi Tư Chính.
Trong một khía cạnh khác, việc Mỹ có phản ứng quân sự ủng hộ Đài Loan sau khi máy bay quân sự Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan và kênh đào Bashi là rất đáng chú ý. Tương tự, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Việt Nam nhằm đấu tranh với Trung Quốc có thể thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh Mỹ-Việt, là cơ hội để Hà Nội cho Bắc Kinh thấy sự tự tin của họ trong đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, Philippines có thể là một thách thức khác đối với Việt Nam sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ, bất chấp việc Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Philippines trong đấu tranh chống lại yêu sách chủ quyền bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Philippines cũng đóng vai trò quan trọng đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Khó khăn thứ hai là về Bộ quy tắc ứng xử (COC), một tài liệu cụ thể hoá Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) đang được đàm phán giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, dự kiến được thông qua vào năm 2021. Việt Nam cần phải tập trung vào COC.
Trách nhiệm của Việt Nam không chỉ dừng lại ở xây dựng sự đồng thuận trong ASEAN, mà còn phải nỗ lực để đưa ra một dự thảo COC khả thi để Brunei Darussalam, nước tiếp theo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2021 có thể thông qua COC.
Khó khăn thứ ba là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền tự do hoạt động hàng hải (FONOP). Trong ba năm qua, Mỹ thường xuyên triển khai lực lượng thực hiện FONOP mà Mỹ tuyên bố là phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó quân đội Mỹ sẽ hoạt động trên hải phận và không phận của bất cứ khu vực nào không vi phạm luật quốc tế.
Trung Quốc đã có phản ứng chính trị, ngoại giao, chiến lược đối với FONOP và có những động thái cưỡng chế tại khu vực thông qua các cuộc tập trận nguy hiểm. Gần đây, một trục hạm của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) đã bắn laser cấp quân sự vào máy bay do thám P-8 của Mỹ.
Chủ tịch ASEAN là một vị trí đầy thách thức và được các nước thành viên đặt kỳ vọng cao. Đây là vị trí đòi hỏi phải tiếp nối công việc của Chủ tịch tiền nhiệm, đồng thời phải giải quyết các vấn đề khu vực mới nổi cũng như còn tồn tại.
Bên cạnh đó, các nước trong và ngoài khu vực đang đưa ra dự đoán về diễn biến của các thách thức và một số những vấn đề mới mà ASEAN có thể phải đương đầu. Bên cạnh đó, các nước ASEAN thường xuyên được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Nhìn chung, vị trí Chủ tịch ASEAN của Việt Nam được coi là cơ hội, song cũng là thách thức. Hà Nội được kỳ vọng sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Hiến chương ASEAN và truyền tải điều này tới người dân các nước ASEAN, đồng thời phát triển chủ đề, ưu tiên của nước Chủ tịch tiền nhiệm.
Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực phải thông qua một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề đề tranh chấp Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Việt Nam có đủ kinh nghiệm, năng lực ngoại giao để dẫn dắt, quản lý những căng thẳng trong khu vực trong vai trò Chủ tịch ASEAN./.