Học giả Ấn Độ: Cách mạng tháng Tám đã tạo hiệu ứng 'domino'

Theo Giáo sư Ấn Độ Pankaj Jha, thắng lợi của Việt Minh trong Cách mạng tháng Tám đã tạo ra “hiệu ứng domino” và niềm tin trong nhân dân rằng các đế quốc không phải là bất bại.
Ngày 19/8/1945, cả Thủ đô ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Việt Nam vốn là một thuộc địa bị chia cắt đã giành được độc lập sau cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong mắt các học giả quốc tế, đây là thành tựu vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước thuộc địa, làm thay đổi căn bản lịch sử thế giới trong thế kỷ XX. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Ấn Độ Pankaj Jha, đăng trên trang mạng Modern Policy.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Việt Nam được biết đến với cái tên Đông Dương, một thuộc địa quan trọng của Pháp.

Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, mở ra con đường cho những người theo dân tộc chủ nghĩa tại Việt Nam để bắt đầu phong trào chống lại chính quyền thuộc địa. Cơ hội này đến sau khi Pháp bị Đức Quốc xã xâm lược.

Chớp lấy thời cơ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa và ủng hộ Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh). Ông đã bắt đầu phong trào quần chúng chống Pháp và ưu tiên hơn hết giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Hồ Chí Minh là một người cộng sản, nhà yêu nước, không ngừng nung nấu nắm bắt thời cơ cho phong trào cách mạng quốc gia của Việt Nam. Và thời điểm quân Nhật rút quân và quân Pháp đổ bộ trở lại đã đem đến thời cơ cho Việt Minh.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã gây chia rẽ giữa Trung Hoa Dân Quốc và Anh khi hai nước này đều muốn “chia năm xẻ bảy” Đông Dương. Hồ Chí Minh cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giành được kiểm soát tại miền Bắc Việt Nam, kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước đoàn kết để Toàn quốc khởi nghĩa. Cuộc cách mạng đã “đánh nhanh, thắng nhanh.”

Sau đó, ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã chính thức đọc tuyên ngôn độc lập, tuyên bố rằng Việt Nam sẽ có tự do và quyền tự quyết. Ngay sau đấy, Trung Hoa Dân Quốc và các nước châu Âu tiến hành vào "giải giáp" trong khi miền Nam Việt Nam đã bị Pháp chiếm đóng trở lại.

Để củng cố vận mệnh đất nước, Hồ Chí Minh đã phải chấp nhận thoả thuận của Pháp yêu sách rằng miền Nam Việt Nam vẫn thuộc kiểm soát của Pháp, nhưng ông cũng e ngại rằng người Pháp sẽ không tôn trọng cam kết này. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấp nhận thỏa hiệp với Pháp để tránh cùng lúc đối đầu với nhiều thế lực xâm lược.

[75 năm Quốc khánh 2/9: Lan tỏa những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh]

Trong thời gian rút quân, Nhật Bản đã trao lại quyền kiểm soát cho Việt Nam thay vì các nước phương Tây. Việc có thể tiếp quản vũ khí và những trang thiết bị còn sót lại của quân Nhật Bản đã tiếp sức cho quân Việt Minh và giúp họ củng cố vị thế trên khắp các tỉnh miền Bắc.

Ngày 22/9/1945, quân Pháp phá bỏ thỏa hiệp, quay trở lại tấn công các lực lượng Việt Minh. Để trấn áp các lực lượng Việt Nam, Anh đã gửi quân tiếp viện từ Ấn Độ. Tuy nhiên, tháng 10/1945, Việt Minh đã kháng cự quyết liệt và có mặt trên khắp cả nước, kiểm soát những khu vực giải phóng rộng lớn.

Thực dân Pháp thất bại, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, tàu chiến Pháp tiếp tục bắn phá Hải Phòng và giết chết hàng ngàn người Việt Nam. Đáp lại, ngày 19/12/1946, Việt Minh đã tiến hành một cuộc tổng tấn công toàn diện chống Pháp, khởi đầu cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Tại Sài Gòn, ngày 25/8, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành míttinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Cuộc chiến này kéo dài 8 năm cho đến năm 1954, người Pháp đã phải chịu những tổn thất nặng nề ở Điện Biên Phủ, Tây Bắc Việt Nam.

Hồ Chí Minh lãnh đạo Việt Minh ở miền Bắc trong khi cựu hoàng Bảo Đại nắm quyền ở miền Nam. Quá trình thành lập Việt Minh song song với sự nghiệp giải phóng Việt Nam, thống nhất đất nước và cũng là tạo phẩm của Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ là người có tầm nhìn chiến lược và hết lòng vì nhân dân, những người luôn ủng hộ mong muốn và khát vọng của ông đối với đất nước. Những khuôn mẫu của một Việt Nam hiện đại về phát triển chính trị, xã hội và kinh tế đều mang hơi thở của Cách mạng tháng Tám, cuộc cách mạng được gieo mầm từ năm 1941.

Việt Nam đang kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám. Chiến thắng này là một dấu mốc lịch sử của Việt Nam, mang lại kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng tháng Tám còn là cơ sở cho cam kết của nhân dân và Việt Minh trong công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng quốc phòng toàn dân trong suốt 75 năm qua.

Cuộc vận động trên khắp cả nước và và quyết tâm của quân và dân Việt Nam nhằm khôi phục vị thế, lòng tự hào dân tộc là nhờ khả năng kết nối người với người của Hồ Chí Minh cùng những kinh nghiệm của ông khi bôn ba khắp nhiều quốc gia. Điều quan trọng của cuộc cách mạng hồi sinh đất nước này là chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần với số lượng thương vong rất thấp.

Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng cho biết thế giới đánh giá rằng Cách mạng tháng Tám đã mở đường cho vận mệnh dân tộc Việt Nam. Ông nhấn mạnh đây là dấu mốc đối với Việt Nam và các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc trên thế giới.

Trên thực tế, Cách mạng tháng Tám đã đặt nền móng cho chiến thắng Điện Biên Phủ, tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa Hồ Chí Minh và nguyện vọng của những người dân đóng góp tích cực vào cuộc cách mạng này. Sự vận động nhân dân và niềm tin của nhân dân dành cho Hồ Chí Minh đã thể hiện cái tầm và sự tận tâm của một nhà lãnh đạo đối với nhân dân.

Cách mạng tháng Tám là tiền đề cho sự lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, với kim chỉ nam là chủ nghĩa Marx-Lenin, cùng với những bài học từ Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh.

Việc các lực lượng cách mạng Việt Nam lập kế hoạch và phối hợp đã giúp Việt Nam bền bỉ trải qua hai cuộc chiến tranh dài hơi với Pháp và Mỹ; đồng thời đã đưa ra một lộ trình toàn diện liên quan đến việc huy động lực lượng một cách hợp lý, cùng với cấu trúc hậu cần nhân dân và sau cùng là đưa nhân dân lên nắm quyền kiểm soát, tiếp quản những cơ sở mà người Pháp để lại sau khi rút khỏi Việt Nam.

Thắng lợi ở Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám đã tạo ra “hiệu ứng domino” và niềm tin trong nhân dân rằng các đế quốc không phải là bất bại.

Giai đoạn giữa tháng 3/1945 ở Đông Dương và Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam cho thấy vào lúc bấy giờ Nhật Bản đang nổi lên như một cường quốc tại châu Á và người Pháp thì đang bị loại khỏi sân chơi này. Hồ Chí Minh sẽ luôn được ghi nhớ vì những phẩm chất lãnh đạo tài năng của ông và những đóng góp to lớn trong giải phóng đất nước Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục