Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào đúng thời điểm dịch Viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2), hay còn gọi là dịch COVID-19 đang thách thức khả năng kiểm soát dịch bệnh của loài người.
Theo đánh giá của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ, thì Việt Nam đã đảm đương rất tốt vai trò của mình, cùng ASEAN từng bước vượt qua những khó khăn do COVID-19 gây ra.
VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, được đăng nguyên gốc trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu quốc tế Kalinga International.
COVID-19 đã lan rộng khắp các châu lục với hơn 100 ngàn ca nhiễm ca nhiễm, buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải công bố đây là “đại dịch toàn cầu.” Trong khi Trung Quốc cùng nhiều nước đã bước đầu khống chế được dịch thì tình hình đang trở nên nghiêm trọng tại châu Âu và Mỹ, trong đó số ca tử vong tại Italy đã vượt mốc 1.000 người (tính đến 13/3).
ASEAN đã sớm ghi nhận mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Không bất ngờ khi Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi kêu gọi các nước thành viên “đoàn kết và tích cực ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh.”
Các nước thành viên ASEAN đã có những hành động cụ thể, cả riêng rẽ và cùng phối hợp, để phát hiện, theo dõi và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại đất nước của họ. Các cơ sở y tế tại từng quốc gia đã được đưa vào hoạt động để ứng phó với những thách thức và sự lây lan của COVID-19.
Trong số các nước ASEAN, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia và Indonesia là những nước phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tại Singapore, số ca nhiễm hiện đã tăng lên tới 187, Malaysia là 158, còn Thái Lan và Indonesia cũng đã ghi nhận những ca tử vong đầu tiên.
Đáng chú ý, ASEAN đã áp dụng cách tiếp cận “hướng tới tương lai” để ứng phó với các đại dịch sau dịch SARS năm 2003. Tuy nhiên, đây vẫn là thời gian thử nghiệm để Việt Nam thực hiện chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động.”
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tuyên bố rằng Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) sẽ tổng hợp báo cáo về COVID-19 để đệ trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, dự kiến được tổ chức vào tháng 4 ở Việt Nam.
[Thủ tướng: Vì sức khỏe của dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế]
Việt Nam đang có sẵn một cơ chế ứng phó khu vực mạnh mẽ, có tính thể chế hoá cao do ASEAN dẫn dắt với các dịch bệnh bùng phát thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM); mạng lưới chuyên gia phòng thủ hóa học, sinh học và phóng xạ ASEAN, tạo điều kiện cho những liên kết chuyên nghiệp và thúc đẩy hợp tác khoa học nhằm kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm; Trung tâm y học quân sự ASEAN; Hội nghị Quân y ASEAN.
Hơn nữa, nhóm chuyên gia làm việc về y học quân sự tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) là minh chứng cho sự hợp tác với các đối tác ngoài ASEAN, theo đó các nước chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo một môi trường hoà bình, an toàn và ổn định.
Với tư cách là Chủ tịch Lực lượng Quân y ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã đề nghị các nước thành viên xem xét tổ chức các cuộc diễn tập trong năm 2020 để đối phó với sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh.
Ngoài ra, còn có đề xuất về việc tiến hành diễn tập trong khuôn khổ Trung tâm Quân y ASEAN, theo đó Việt Nam sẵn sàng đứng ra tổ chức trong thời gian sớm nhất nhằm ứng phó với COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá cao phản ứng của Việt Nam đối với COVID-19. Ngay khi WHO tuyên bố tình trạng “y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” đối với dịch bệnh,
Hà Nội đã tiến hành một loạt các biện pháp bao gồm đóng cửa biên giới với Trung Quốc, cách ly 14 ngày đối với những người đến từ khu vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Trung Quốc, dừng các chuyến bay đi và đến từ Trung Quốc.
WHO đã khen ngợi năng lực kiểm soát và ứng phó với “các vấn đề sức khoẻ, bao gồm dịch bệnh mới xuất hiện” của Việt Nam là rất tốt.
Việc khởi xướng những sáng kiến mang tính hệ thống nhằm giải quyết các đại dịch trong tương lai sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam.
Những ý tưởng này có thể được phát triển trên cơ sở hoạt động kiểm soát thảm hoạ của Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo (Trung tâm AHA), một tổ chức liên chính phủ tạo điều kiện cho hợp tác giữa các nước ASEAN, Liên hợp quốc cùng những tổ chức quốc tế khác trong trong kiểm soát thảm hoạ và phản ứng về y tế trong khu vực ASEAN.
Việt Nam cũng có thể đề xuất Tuyên bố “Một ASEAN – Một phản ứng” nhằm ứng phó với các đại dịch, bao gồm: (a) kế hoạch ứng phó và chuẩn bị với tình trạng khẩn cấp sức khỏe công cộng tại khu vực; (b) cứu thương hàng không trong khu vực; (c) kho lưu trữ thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) khu vực; (d) dữ liệu về năng lực y tế trong khu vực trên cơ sở Công cụ Đánh giá Năng lực Quốc gia của WHO đối với COVID-19; v.v...
Từ quan điểm lâm sàng và vắcxin, WHO đã thành lập một diễn đàn nghiên cứu và sáng kiến toàn cầu để huy động quốc tế hành động nhằm ứng phó với COVID-19.
Tổng giám đốc của diễn đàn này, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khẳng định rằng “khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh.”
Trong bối cảnh này, có lẽ thách thức lớn nhất đối với ASEAN sẽ là vấn đề công nghệ. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp “đánh giá quá trình tiến triển và hồi phục của bệnh,” đồng thời “phát hiện những thay đổi bệnh lý nhỏ ở phổi trong giai đoạn rất sớm của bệnh.”
Ví dụ, Alibaba đã tuyên bố rằng Trí tuệ nhân tạo Al của họ có thể chẩn đoán COVID-19 với độ chính xác lên tới 96%. Tương tự, công nghệ Blockchain và Big Data có thể giúp xây dựng các giải pháp ứng phó mạnh mẽ.
Trong khi đó, ACC và Bộ tưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp tại Lào, “khẳng định sự đoàn kết và hỗ trợ đối với Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.”
Việt Nam đã cam kết hợp tác hiệu quả trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc trong đối phó với đại dịch. Cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt những cam kết này./.