Hoạt động xuất khẩu trì trệ kéo dài hai năm qua của khu vực châu Á, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đã dần phục hồi, đang làm dấy lên những quan ngại về tính cạnh tranh của khu vực này cũng như khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn tiếp theo đối với các thị trường mới nổi.
Theo số liệu phân tích của hãng tin Reuters, trong quý 3/2013, xuất khẩu của bảy thị trường lớn nhất khu vực Đông Á - gồm có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Vùng lãnh thổ Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore - chỉ tăng 0,8%, chủ yếu nhờ xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trên càng củng cố tình trạng đáng lo ngại tại châu Á - khu vực mà xuất khẩu chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng của nền kinh tế. Tăng trưởng xuất khẩu của châu Á đã nhanh chóng hạ nhiệt sau khi đạt tới mức đỉnh vào năm 2010, thời điểm mà nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau khủng hoảng tài chính.
Tim Condon, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính thuộc ING có trụ sở tại Singapore nhận định: "Có một thực tế đang xảy ra trên khắp khu vực châu Á là xuất khẩu không tăng trong 2 năm qua, nguyên nhân đơn giản là do chi tiêu toàn cầu yếu."
Bên cạnh đó, khu vực châu Á đang phải đối mặt với đà tăng trưởng chậm chạm và triển vọng kinh tế vẫn còn bấp bênh một khi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, phục hồi tới giai đoạn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương nước này) bắt đầu rút dần chương trình thúc đẩy tăng trưởng kéo dài 5 năm.
Các chuyên gia kinh tế cho biết nếu xuất khẩu không thể bù đắp được mức lãi suất không ngừng tăng lên cộng với dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, khu vực châu Á sẽ phải nhờ vào nhu cầu nội địa để có thể vượt qua thời điểm khó khăn này.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục, xuất khẩu ì ạch tại châu Á đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi giữa các nhà kinh tế về việc liệu khu vực này có bị mất đi khả năng cạnh tranh, khi mà tiền lương cũng như các chi phí khác tăng nhanh.
Cục Thống kê dân số Mỹ và Văn phòng Phân tích Kinh tế cho rằng thị phần xuất khẩu của châu Á vào Mỹ không ngừng tăng từ năm 2002, bên cạnh hoạt động xuất khẩu ổn định của Trung Quốc vào thị trường này kể từ năm 2001 sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.